Bỏ điều kiện đăng ký thường trú có trái Luật Thủ đô?

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng
TPO - Vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau về việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú riêng tại các thành phố trực thuộc trung ương.

Ngày 12/5, Uỷ ban Pháp luật tổ chức phiên họp, thẩm tra dự án Luật cư trú sửa đổi. Qua thực tế giám sát tại Thủ đô Hà Nội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật khẳng định, tình trạng tăng dân số cơ học tại Hà Nội rất lớn.

"Rõ ràng thời gian qua chúng ta quản lý vấn đề này còn nhiều bất cập. Ở những thành phố khác như TPHCM cũng vậy. Theo tôi biết, dân số cơ học gần gấp đôi dân số có hộ khẩu thường trú, mà người ta vẫn ở bình thường, công an vẫn quản lý”, ông Hòa nói.

Tuy nhiên theo ông Hòa, nếu bỏ quy định riêng này sẽ tạo thêm áp lực tăng dân số cơ học, rồi điều kiện sinh hoạt, trường học, y tế… Do vậy, chính quyền mỗi địa phương phải có trách nhiệm, tăng cường những điều kiện cần thiết để bảo đảm người dân được hưởng thụ những gì mà chính sách nhà nước đưa ra.

Cùng quan điểm, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, bỏ quy định riêng này sẽ bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, bà đề nghị phân tích rõ hơn tác động tiêu cực về mặt xã hội do làm tăng dân số cơ học, tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế, các dịch vụ công khác…nhất là tại Hà Nội và TPHCM đang bị quá tải về các dịch vụ công nêu trên.

“Nếu quy định như dự thảo thì có bảo đảm được việc cung cấp các dịch vụ công như hiện nay hay không?”, bà Lịch nêu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh cũng cho rằng, không nên đặt ra “chế độ riêng biệt”, vì quản lý nhà nước, quản lý dân cư là thống nhất.

“Tôi đồng tình với đánh giá của Chính phủ, hạn chế được nhập khẩu chứ không hạn chế được nhập cư. Việc đặt ra các điều kiện trong nhập hộ khẩu này ít nhiều tạo tâm lý kỳ thị trong một bộ phận người dân. Chưa kể làm phức tạp thêm một số vấn đề về quản lý an ninh trật tự, tội phạm, an toàn giao thông… Nhưng về mặt kinh tế, rõ ràng có sự kích cầu về thị trường lao động, thị trường bất động sản”, ông Hồng khẳng định.

Trong khi đó, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho rằng, cần bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự phù hợp trong hệ thống pháp luật, cụ thể là giữa Luật Cư trú với Luật Thủ đô.

“Rõ ràng luật này có mâu thuẫn với Luật Thủ đô. Với trách nhiệm của một đại biểu của Thủ đô, tôi rất trăn trở và suy nghĩ nhiều về việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú riêng tại các thành phố trực thuộc trung ương”, bà Hoa nêu.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, ngành đang hoàn thiện hệ thống công an xã và sẽ ban hành Nghị định về công an xã chính quy.

“Chúng tôi đề xuất trong thời gian quá độ sẽ sử dụng cả lực lượng công an xã bán chuyên trách phối hợp với công an xã chính quy để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và có sự chuyển đổi trong thời gian quá độ”, ông Ngọc khẳng định.

MỚI - NÓNG