Năm 'nhàn' của người đi tua

HDV Xuân Tú (áo đen) mong muốn dịch bệnh sớm bị đẩy lùi để anh và các đồng nghiệp tiếp tục được làm công việc bao năm gắn bó và yêu thích
HDV Xuân Tú (áo đen) mong muốn dịch bệnh sớm bị đẩy lùi để anh và các đồng nghiệp tiếp tục được làm công việc bao năm gắn bó và yêu thích
TP - Như mọi năm, tầm này là thời điểm một hướng dẫn viên du lịch như anh Xuân Tú bận tối mắt vì “đắt sô” Tết Dương lịch. Có khi hôm nay đang ở Hà Nội, mai đã Singapore, ngày kia ở Anh. Năm nay thì khác, tất cả chỉ là con đường quen thuộc từ nhà ra công trường, nơi anh đang làm phụ hồ với mức lương 200 nghìn một ngày.

Ít việc phải mưu sinh...

Gần 15 năm nay, anh Xuân Tú (quê ở Hà Tĩnh) là hướng dẫn viên (HDV) chuyên dẫn khách tua người Việt đi nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 hoành hành, công việc của anh “đóng băng” hoàn toàn. Để mưu sinh nơi Hà thành, anh sắm thêm cái xe máy chạy xe ôm công nghệ và giao hàng. “Hôm nào chăm chỉ cũng kiếm được khoảng 300 nghìn đồng. Trừ chiết khấu và tiền xăng, tôi còn khoảng 200 nghìn, cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và ăn uống. Từ tháng 7, tôi quyết định về quê hẳn với vợ con, xin làm phụ hồ, ở đâu có công trình là tôi đi. So với thu nhập 15-20 triệu hàng tháng như trước đây thì có lẽ năm nay chỉ dám ăn bánh chưng không nhân thịt”, anh vừa cười vừa nói, xen lẫn xót xa.

Theo Tổng cục Du lịch, cả nước có hơn 27.000 hướng dẫn viên, cả nội địa và quốc tế. Phần lớn trong số này là HDV hoạt động tự do, không thuộc sự quản lý của một đơn vị lữ hành nào. Theo chia sẻ của anh Xuân Tú, trừ cánh làm du lịch thuộc biên chế các công ty được hưởng một phần trợ cấp, HDV tự do như anh 100% phải... tự lo. Bạn bè anh, hầu như đều phải tay năm tay mười làm đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống. Người bán hàng online, người chạy xe ôm, người bán bảo hiểm, người đi buôn bất động sản, có người về quê làm nhôm kính, có người quay sang phụ giúp quán cơm của gia đình...

Số tiền mà họ kiếm được có thể giảm hẳn so với thu nhập từ nghề hướng dẫn viên, nhưng cũng giúp cầm cự cuộc sống qua khó khăn. “Thỉnh thoảng mọi người lại trêu nhau, hoá ra dân làm tua đa năng phết, gì cũng làm được. Rồi động viên nhau cố gắng chờ ngày du lịch hồi sinh, nhưng thú thật cũng chả biết đến bao giờ”, anh Tú thở dài.

Tôi hỏi một người bạn cũng làm HDV về cuộc sống của anh chị em làm du lịch thời gian qua, cô ấy mời tôi vào một nhóm kín trên zalo, một nhóm khá nổi, vốn dĩ được lập ra để dân du lịch khắp cả nước trao đổi thông tin tua tuyến. Nay nhóm đổi tên thành “Chợ trời thời Covid” và thêm luôn chức năng bán hàng online, để anh em ủng hộ nhau thời “bão dịch”.

Chị Hồng Duyên (Sơn La), HDV du lịch với hơn 10 năm kinh nghiệm, thỉnh thoảng lại đăng vào nhóm bài bán hàng đặc sản Tây Bắc như thịt trâu gác bếp, lạp sườn... “Nhóm toàn anh chị em làm du lịch, cùng cảnh ngộ thất nghiệp nên thương nhau lắm, ai bán gì lại nhiệt tình mua ủng hộ”, chị kể, rồi phấn khởi khoe: “Vào cuối tuần, mình lại phát trực tiếp bán hàng trên facebook cá nhân. Ban đầu ngại lắm, nhưng một thời gian thì quen. Cũng may nghề HDV du lịch cho mình khả năng nói khoẻ nên khi nói trên mạng cả tiếng đồng hồ cũng không thấy mệt”. Nhờ chăm chỉ, chị Duyên cũng kiếm được thêm 5-7 triệu mỗi tháng.

Trong bối cảnh khó khăn, không chỉ HDV phải lao đi làm những công việc ngoài chuyên môn mà cả đội ngũ quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch cũng nháo nhác tìm kế mưu sinh.

Bà V.B, giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội thổ lộ: “Tầm này mọi năm, đi ăn tất niên cùng nhóm bạn làm lãnh đạo ở các công ty du lịch, hay hỏi nhau chuyện lời lãi, rồi khoe tua này tuyến nọ... Nhưng năm nay chỉ hỏi công ty giờ còn bao nhiêu người, lỗ bao nhiêu, nợ bao nhiêu... Nhiều người phải bán nhà, bán xe. Có người suốt 3 tháng nay chạy thủ tục xin phá sản mà chưa được, vì còn nợ ngân hàng mấy chục tỷ”. Bản thân bà V. B cũng vừa mới quyết định nghỉ việc để góp vốn cùng bạn mở trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ em.

Để duy trì công việc và thu nhập cho nhân viên, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt chuyển hướng đầu tư sản xuất khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần. Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, tổng giám đốc Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ lại phát triển mảng nông sản, đặc sản tôm, cá, cua... từ các vùng quê về bán online. Một số CEO chọn mở quán cà phê, kinh doanh nông sản, hay mở sàn môi giới bất động sản..., chờ du lịch “hồi sinh”.

Xưa nay, vốn chuyên khai thác các tua trọn gói trong và ngoài nước nhưng để bám trụ với nghề chờ qua đận khó khăn, công ty TTS Travel chuyển sang khai thác thị trường ngách như: đặt phòng, đặt vé máy bay cho khách lẻ... “Chúng tôi vẫn cố gắng kéo công việc và thu nhập về cho nhân viên. Hiện TTS duy trì trả 50% lương cứng và 100% doanh số sản phẩm cho nhân viên, bảo hiểm đóng đầy đủ. May mắn là chúng tôi vẫn có nguồn khách nội địa ổn định”, bà Đỗ Quyên, giám đốc công ty cho biết.

Năm 'nhàn' của người đi tua ảnh 1

Hiện nay 50% nhân sự của công ty Du lịch Việt được huy động để sản xuất khẩu trang

Tận hưởng “kỳ nghỉ đặc biệt”

Hơn 3 năm gắn bó với nghề HDV du lịch, chị Nguyễn Thị Hồng (HDV của Bitoco Travel) năm nào cũng phải dẫn tua du lịch tâm linh đầu xuân. “Tua thường xuất phát lúc 2-3h sáng và kết thúc lúc 10-11h đêm. Có lần, nửa đêm về đến nhà trong tình trạng mệt mỏi vì tức sữa, thấy con đang khóc ngằn ngặt vì khát sữa mà trào nước mắt”, chị Hồng nhớ lại.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc ít đi, thu nhập giảm nhưng chị lại có nhiều thời gian hơn cho gia đình và chăm sóc con nhỏ. Được ở bên cạnh con khoảnh khắc bé chập chững biết đi, cho đến bi bô tập nói. Chị lên kế hoạch cụ thể để năm nay đi chơi Tết ở nhà nội, nhà ngoại. “Tôi tin rằng rồi dịch bệnh sẽ được kiểm soát, du lịch sẽ khởi sắc trở lại. Chắc chắn lúc đó chúng tôi sẽ quay lại hết mình với công việc. Còn bây giờ, cứ coi như là khoảng thời gian để xả hơi! Tôi sẽ vui vẻ tận hưởng nó bên gia đình”, chị Hồng tâm sự.

Thất nghiệp, anh Hoàng Long, một HDV tự do chuyên dẫn tua Đông Nam Á, quyết định chuyển hướng bán bảo hiểm. Công việc mang lại thu nhập khá ổn, lại không gò bó về thời gian nên anh tranh thủ buổi tối đi học thêm tiếng Nhật, giúp vợ đưa đón con đi học.

Mặc dù, xác định bánh chưng năm nay có thể “không có nhân thịt”, nhưng đây cũng sẽ là cái Tết đặc biệt nhất trong suốt 15 năm qua của anh Xuân Tú. Gần 10 năm gắn bó với nghề thì đã có hơn 3 năm, anh Tú không được ăn Tết ở nhà, hoặc có thì cũng chớp nhoáng rồi lại phải lên đường. Những tua Tết thường bắt đầu từ ngày 29, 30 Tết. Nên thường gia đình anh sẽ làm cơm tất niên sớm hơn lệ thường và tiệc đón tân tiên cũng sẽ lùi đến Mùng 4, Mùng 5, khi anh trở về. “Lần nào cũng thế, cứ nghe tiếng pháo hoa lúc giao thừa hoặc tivi phát lời chúc Tết của Chủ tịch nước là khoé mắt tôi lại cay cay. Rút điện thoại gọi về chúc Tết bố mẹ, vợ con mà cứ thấy xúc động khó tả”, anh Tú nhớ lại.

Anh Tú bảo, lần đầu được đón năm mới ở nước ngoài cũng hồ hởi lắm, nhưng đến lúc có gia đình lại chỉ mong được ở nhà trong thời khắc thiêng liêng. Có lần, đang ăn bữa tự chọn quốc tế sang trọng nhưng khi có một thành viên trong đoàn mang theo một hũ củ kiệu, mùi thơm nồng của nó làm tôi nhớ hương vị Tết quê nhà đến quay quắt.

Năm nay, “một năm du lịch buồn” nhưng đổi lại, anh Tú sẽ có một cái Tết đoàn viên bên gia đình, được cùng cả nhà đón thời khắc giao thừa bên mâm cơm truyền thống Tết Việt.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.