Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường 'xông đất' vựa cây ăn quả Bắc Giang

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên trái) cùng với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thăm vườn bưởi ở huyện Lục Ngạn
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên trái) cùng với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thăm vườn bưởi ở huyện Lục Ngạn
TPO - Sáng 3/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác về làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Tại đây, ông Cường đã đến thăm các trang trại trồng cây ăn qủa và trao đổi về định hướng phát triển ngành này trong thời gian tới.

Đón và tham tham gia đoàn công tác còn có Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác thăm vườn cam, bưởi của bà con nông dân ở xã Quý Sơn, xã Thanh Hải (huyện Lục Ngạn). Tại đây, ông Cường cho biết, thời gian tới, việc tái cơ cấu nông nghiệp tập trung vào 3 trục sản phẩm, gồm: nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm mang tính lợi thế của từng tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP.   

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường 'xông đất' vựa cây ăn quả Bắc Giang ảnh 1 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên trái) cùng với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thăm vườn bưởi ở huyện Lục Ngạn

Ông Cường cho rằng, Bắc Giang là một trong những tỉnh tiên phong trong việc khai thác lợi thế sản phẩm cấp tỉnh. Những năm vừa qua, tỉnh Bắc Giang khai thác tốt lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp và cây ăn quả. Lục Ngạn là vùng nổi tiếng về vải thiều, với diện tích gần 3 vạn ha và cho doanh thu hơn 6.000 tỷ/năm. Cây cam ở đây cũng đạt năng suất rất cao, có vườn đạt 50 tấn/ha, với hiệu quả kinh tế từ 1 -2 tỷ đồng/ha.

“Từ tỉnh Bắc Giang cho thấy, nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt, biết cách khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương thì chính những nhóm sản phẩm cấp tỉnh trở thành sản phẩm mang lại giá trị trăm triệu USD và tiến tới tỷ USD”, ông Cường cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường 'xông đất' vựa cây ăn quả Bắc Giang ảnh 2 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xông đất vựa cây ăn quả tỉnh Bắc Giang

Bàn về các giải pháp phát triển ngành trồng trọt trong thời gian tới, ông Cường cho biết, trước hết, quy mô hàng hóa cấp độ quốc gia hay cấp tỉnh hoặc sản phẩm OCOP đều phải ứng dụng khoa học công nghệ cao phù hợp với đối tượng, quy mô sản xuất và trình độ canh tác của từng nơi. Đồng thời, sản xuất phải được tổ chức theo chuỗi hàng hóa, gắn vùng nguyên liệu với khâu chế biến tập trung, tổ chức thị trường. Trên cơ sở xác định được cây trồng hoặc vật nuôi phù hợp với địa phương, tập trung vào các nhóm giải pháp từ cơ chế, chính sách đến kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng theo ông Cường, mấy năm gần đây, cây ăn quả cả nước tăng rất nhanh, đến nay đạt khoảng 1 triệu ha, với sản lượng khoảng 15 triệu tấn, giá trị xuất khẩu năm qua đạt 3,6 tỷ USD. Năm nay, giá trị xuất khẩu cây ăn quả gần 4 tỷ USD. Trong ngành trồng trọt, cây ăn quả cho giá trị kinh tế rất cao; trong khi, thế giới có nhu cầu thương mại cao, khoảng 360 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành trồng trọt vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó có vấn đề về giống. Tất cả bộ giống cây ăn quả của Việt Nam đều ở mức trung bình, chưa có bộ giống nào đạt mức tiên tiến so với thế giới. Bởi vậy, thời gian tới, ngành trồng trọt phải tập trung giải quyết giống cây ăn quả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường 'xông đất' vựa cây ăn quả Bắc Giang ảnh 3 Vườn cam tại xã Quỹ Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang

Cùng với đó, về vấn đề canh tác, cần quy hoạch lại từng vùng, từng miền, hướng dẫn quy trình canh tác để bào con nông dân vào hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp. Một nút thắt nữa cần giải quyết là ở khâu chế biến. Bốn năm qua, tổng số cơ sở chế biến tăng gấp 3 lần, nhưng chưa đáp ứng được nhiều so với tổng sản lượng cây ăn quả của cả nước. Do đó, những năm tới cần tập trung giải quyết khâu chế biến để tạo chuỗi giá trị gia tăng và chủ động tiêu thụ sản phẩm.

Ông Cường nhấn mạnh, thời gian tới cần khai tác tối đa tái cơ cấu 3 trục sản phẩm, bao gồm: trục sản phẩm quốc gia với quy mô hành hóa lớn; trục sản phẩm cấp tỉnh, với mỗi tỉnh có sản phẩm đặc trưng mà chỉ tỉnh đó mơi có thì chất lượng ngon và giá thành hạ, trục thứ 3 là sản phẩm OCOP với 3200 sản phẩm, trong đó phần lớn là nông sản. Cả 3 trục sản phần này đều phải đồng bộ phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường 'xông đất' vựa cây ăn quả Bắc Giang ảnh 4 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trò chuyện với người trồng cam ở huyện Lục Ngạn

Cũng theo ông Cường, ngành trồng trọt cần áp dụng nguyên tắc của nông nghiệp thông minh, mỗi vùng ứng dụng công nghệ, quy mô phù hợp. Đặc biệt, thị trường trong nước và xuất khẩu đòi hỏi ngày càng lớn về sản phẩm sạch. Thị trường nông sản hữu cơ đang là thị trường phát triển rất nóng. Nước ta có điều kiện để canh tác tác hữu cơ.

“Nước ta cần tập trung hướng vào nông nghiệp sạch, hữu cơ. Cùng với đó, việc canh tác, sản xuất nông nghiệp cần thích ứng với biến đổi khí hậu; bởi nước ta dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và tính cực đoan của thời tiết ngày càng khốc liệt hơn. Việc phát triển nông nghiệp như vậy có điều kiện cho người dân ở những vùng vốn kém lợi thế tăng thu nhập, thậm chí làm giàu”, ông Cường nói.

MỚI - NÓNG