Rối loạn năm cũ đeo bám Mỹ đầu năm mới

Ông Joe Biden phát biểu tại Atlanta vận động cử tri ủng hộ 2 ứng viên thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ ngày 15/12. Ảnh: AP
Ông Joe Biden phát biểu tại Atlanta vận động cử tri ủng hộ 2 ứng viên thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ ngày 15/12. Ảnh: AP
TP - Tuần mở đầu của năm mới ở Mỹ đang bị phủ bóng bởi những sự kiện căng thẳng, thử thách cam kết của Mỹ đối với dân chủ, định hình chính quyền sắp tới của tổng thống đắc cử Joe Biden và xác định tương lai của đảng Cộng hòa.   

Ngày 5/1 sẽ diễn ra hai cuộc bầu cử vòng cuối cùng ở bang Georgia để quyết định đảng nào sẽ kiểm soát Thượng viện Mỹ. Việc ông Biden thiết lập nội các và thúc đẩy các luật mới sẽ phụ thuộc vào việc đảng Dân chủ chiếm được đa số ở cả hai viện hay không. 

Tâm điểm chú ý dồn vào Washington trong ngày 6/1, thời điểm quốc hội Mỹ họp để xác nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử của cử tri đoàn. Thủ tục thường chỉ mang tính hình thức này nay trở thành một trận chiến vì những nghị sĩ ủng hộ tổng thống đương nhiệm Donald Trump nói rằng sẽ không xác nhận đây là kết quả của một cuộc bầu cử công bằng và tự do. Những người khác trong đảng Cộng hòa cảnh báo hành động này có thể gây phá hoại. 

Ông Trump gợi ý rằng ông sẽ có màn xuất hiện kiểu nào đó trong đợt biểu tình dự kiến diễn ra ở Washington trong ngày 6/1. Một số người khẳng định sẽ tham gia biểu tình có mối liên hệ với lực lượng mang tư tưởng thượng tôn da trắng, AP cho biết.

Dù thủ đô nước Mỹ đã quen thuộc với cảnh lộn xộn trong những năm ông Trump cầm quyền, nhưng giới chuyên môn đánh giá căng thẳng trong tuần này rất đặc biệt. Hậu quả của nó có thể kéo dài, ảnh hưởng đến quyền điều hành của chính quyền Biden và cuối cùng là quyết tâm của người Mỹ về việc chuyển giao quyền lực từ đảng này sang đảng kia một cách hòa bình. 

Một dấu hiệu thể hiện sự thù địch gia tăng trong chính trị Mỹ là việc những đối tượng phá hoại đã nhằm vào nhà của lãnh đạo hai đảng trong quốc hội. Cửa nhà của chủ tịch nhóm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell bị phun sơn những từ ngữ xúc phạm, còn cửa nhà của chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ở San Francisco bị đặt đầu lợn và quệt vệt máu giả. 

Cuộc nói chuyện của ông Trump với ông Brad Raffensperger, quan chức phụ trách bầu cử bang Georgia hôm 2/1 bị đánh giá là nỗ lực chưa từng có của một tổng thống đương nhiệm nhằm gây sức ép cho quan chức cấp bang nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Trong cuộc gọi bị ghi âm mà Washington Post đăng tải, ông Trump thúc ép ông Raffensperger “tìm” đủ phiếu để ông chiến thắng ở bang này. Nhưng ông Raffensperger cự tuyệt yêu cầu này và khẳng định không có gì đáng nghi ngờ việc ông Biden chiến thắng ở Georgia. 

“Mưu đồ khủng khiếp”

Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz thông báo sẽ có một liên minh gồm 11 thượng nghị sĩ và thượng nghị sĩ đắc cử tham gia nỗ lực chặn quốc hội xác nhận kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn. Nỗ lực này được nhận định là sẽ không thành công, nhưng việc các nghị sĩ cam kết làm điều đó được cho là nhằm thể hiện sự trung thành với ông Trump, và cũng là sự phô trương để chuẩn bị cho khả năng tranh cử tổng thống vào năm 2024. Nó đang gây ra những tranh cãi nóng bỏng trong nội bộ đảng Cộng hòa. 

“Chúng ta sẽ đọc về những điều này trong sách lịch sử trong nhiều thập kỷ. Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng ông Trump sẽ từ bỏ quyền lực trong đảng Cộng hòa và chấp nhận thua. Những điều này sẽ còn tiếp tục”. 


Chiến lược gia của đảng Dân chủ Andrew Feldman nhận xét 

Thượng nghị sĩ Mitt Romney, ứng viên tổng thống năm 2012, gọi đây là “mưu đồ khủng khiếp” có thể “thúc đẩy tham vọng chính trị của một số người, nhưng gây nguy hiểm cho nền cộng hoà dân chủ”.

Thượng nghị sĩ Pay Toomey không nêu đích danh ông Cruz mà nói rằng đại diện của bang Texas và những thượng nghị sĩ Cộng hoà khác đang làm suy yếu “một đặc điểm cơ bản, mang tính đặc trưng” của dân chủ Mỹ. Thượng nghĩ sĩ Cộng hoà Tom Cotton nói rằng ông phản đối ý tưởng quốc hội có thể đảo ngược kết quả bầu cử của đại cử tri và việc vượt quá quyền hạn sẽ tạo nên “tiền lệ không khôn ngoan”.

Thời điểm này được đánh giá là vô cùng khó xử đối với Phó Tổng thống Mike Pence. Với vai trò chủ tịch Thượng viện, ông sẽ chủ trì phiên họp ngày 6/1 và sẽ là người tuyên bố chiến thắng của ông Biden. Những phó tổng thống trước đây như Richard Nixon và Al Gore cũng đóng vai trò tương tự sau những mùa tranh cử khó khăn. Nhưng ông Pence, người có thể sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2024, đang phải cố gắng tránh chọc giận ông Trump và lực lượng ủng hộ.

MỚI - NÓNG