Tuổi trẻ của bạn và Ðoàn: Người bạn lớn

Trần Tuyên (thứ 2, từ trái qua) trong lần tham gia hoạt động tình nguyện ẢNH: NVCC
Trần Tuyên (thứ 2, từ trái qua) trong lần tham gia hoạt động tình nguyện ẢNH: NVCC
TP - Là cán bộ Ðoàn, Hội các trường đại học, Trần Tuyên và Trần Thị Anh Thư đều coi Ðoàn, Hội thực sự là “người bạn lớn” giúp họ vượt qua giới hạn bản thân để có được những tháng ngày sinh viên sôi nổi, đẹp đẽ với những dấu ấn không thể nào quên.

Không hoài phí tuổi trẻ

Lần đầu tiên biết đến Đoàn khi tôi được học lớp cảm tình Đoàn năm lớp 8. Lớp học đó chỉ có 10 bạn học sinh, được anh Bí thư Đoàn xã chia sẻ về Đoàn. Tôi nhớ mình đã đứng lên hỏi anh Bí thư Đoàn xã mấy câu ngô nghê: “Đoàn là gì?”, “Vì sao mình cần có Đoàn trong thời gian tới?”. Anh đã nói với tôi: “Đoàn là người định hướng và giúp em rèn luyện sau này. Nếu chưa biết thì cứ thử, biết đâu sẽ có duyên...”. Sau khi hoàn thành tốt lớp học đó rồi ngày kết nạp cũng đến. Hôm chính thức được kết nạp xúc động lắm, dù chưa ý thức đầy đủ được trách nhiệm của một Đoàn viên như thế nào.

Hoạt động đầu tiên tôi tham gia với tư cách Đoàn viên là tổ chức hội trại trường năm 2011. Khi đó, tôi bắt đầu tham gia lên ý tưởng cùng thầy, cô, anh, chị, được chia sẻ về các tấm gương Đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, về tuổi trẻ sôi nổi cùng với Đoàn... Tôi chợt nhận ra mình rất hào hứng, nhiệt huyết với các hoạt động sắp tới.

Khi học lên THPT, nhận thức của tôi dần hoàn thiện, bắt đầu tham gia vào công tác Đoàn với vai trò bí thư của lớp. Lên đại học, tôi được tin tưởng giao làm Bí thư Chi đoàn lớp, rồi Ban chấp hành Đoàn khoa, từng bước rèn luyện và trưởng thành. Cái duyên Đoàn đã đưa tôi đến với một người bạn mới: Hội Sinh viên Việt Nam. Vậy là thời sinh viên của tôi có “những người bạn lớn” mà mình sẽ mãi nhớ về sau, về một thời sống hết mình, hoài bão và đầy khát khao cống hiến.

Từ một cậu học sinh ở tỉnh lẻ thiếu thốn nhiều điều, cảm thấy không đủ tự tin khi bước ra thế giới bên ngoài, được sự hỗ trợ của “những người bạn lớn”, tôi đã trưởng thành hơn, mạnh dạn hơn, dám sống với hoài bão lớn. Và không chỉ cho riêng mình mà còn biết sống cho gia đình, cộng đồng, xã hội. Tôi được trải nghiệm và trưởng thành qua hàng loạt các chương trình, hoạt động ý nghĩa: Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Xuân tình nguyện; phong trào “Sinh viên 5 tốt”…

Trên hành trình học tập, rèn luyện của những năm tháng sinh viên sôi nổi cùng Đoàn, Hội, tôi đã đạt được những thành công nhất định: Giải thưởng Sao Tháng Giêng T.Ư năm 2019; danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư 2 năm liên tục (năm 2019 và 2021); Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác TP HCM năm 2020…

Sau mỗi lần được vinh danh, tôi nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, để chinh phục những chặng đường mới. Nếu không có Đoàn - Hội chúng ta vẫn sống và học tập bình thường. Nhưng nếu có Đoàn - Hội thì hành trình rèn luyện, phấn đấu sẽ là một thời tuổi trẻ sôi nổi, đẹp đẽ nhất, dám dấn thân và trưởng thành.

(Trần Tuyên, Bí thư Chi đoàn khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM)

Trưởng thành từ Mùa hè xanh

Tuổi trẻ của bạn và Ðoàn: Người bạn lớn ảnh 1

Trần Thị Anh Thư tham gia Chiến dịch Xuân tình nguyện năm 2020

Tôi bén duyên với Đoàn từ năm lớp 9. Lên lớp 10, tôi được bầu làm Phó Bí thư Đoàn trường, rồi Bí thư Đoàn trường THCS-THPT Hồng Hà (TPHCM) năm lớp 11. Đó là dấu mốc đáng nhớ của tôi đến với Đoàn, sống đầy sôi nổi, nhiệt huyết. Hoạt động ý nghĩa đầu tiên tôi được tham gia là hoạt động tình nguyện do Đoàn trường, Quận Đoàn tổ chức. Sau đó, tôi liên tiếp tham gia các hoạt động: Chiến dịch Hoa Phượng đỏ, Hội trại 9/1, thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng...

Lên đại học, tôi trở về Bình Dương học tập và sinh sống. Bằng tình yêu mãnh liệt với Đoàn, ngay từ năm nhất, tôi đã rất tích cực trong các hoạt động Đoàn - Hội của trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, rồi vào Ban Chấp hành Hội Sinh viên trường. Tôi gắn bó với công tác Đoàn - Hội cho tới tận bây giờ là sinh viên năm cuối.

Một trong những hoạt động giúp tôi rèn luyện, trưởng thành nhất là Chiến dịch Mùa hè xanh. Suốt 4 năm học đại học tôi đều tham gia chiến dịch. Năm nhất là chiến sĩ Mùa hè xanh, từ năm thứ 2, tôi là thành viên Ban chỉ huy chiến dịch. Những hình ảnh đáng nhớ nhất với tôi là những giọt nước mắt của người dân khó khăn ở địa phương, nơi chúng tôi đến. Có những nơi đến, có những người dân khiến chúng tôi bật khóc vì thương và nhớ. Những ai đã từng đi qua năm tháng tình nguyện đều thấm nỗi nhọc nhằn của người dân vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Với tôi, sau những ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con là một trải nghiệm cực kỳ quý giá. Các hoạt động tình nguyện giúp tôi trưởng thành hơn. Đây chính là trường học thực tiễn để tôi tu dưỡng, rèn luyện, sống nhân văn, biết yêu thương, sẻ chia với cộng đồng.         

Từ một cô bé rụt rè, nhút nhát, Đoàn - Hội đã tôi luyện tôi của ngày hôm nay đầy năng động, tự tin. 2020 là một năm có nhiều kỷ niệm đẹp khi bản thân đã đạt được cùng lúc danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư và Giải thưởng Sao Tháng Giêng của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam. Đây được xem như là kết quả cho một hành trình nỗ lực học tập, cống hiến và rèn luyện hết mình.

Nhưng đối với tôi, điều học được nhiều nhất khi tham gia các hoạt động Đoàn - Hội là sự tự tin, kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng xử lý tình huống mỗi ngày.

(Trần Thị Anh Thư, Ủy viên BCH T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Thủ Dầu Một)

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.