Trường đưa học sinh đi trải nghiệm, phụ huynh bất an về sự an toàn

Tai nạn tàu lượn khiến 3 học sinh Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) thương vong.
Tai nạn tàu lượn khiến 3 học sinh Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) thương vong.
TPO - Những năm gần đây, các nhà trường có xu hướng tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn làm học sinh tử vong khiến phụ huynh lo lắng, bất an.

Ngày 14/1, Trường THPT Đông Anh đưa 896 học sinh lớp 10 và 11 đi hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ). 3 học sinh đã gặp nạn khi tham gia trò chơi tàu lượn siêu tốc và toa tàu trượt khỏi đường ray khiến 1 em tử vong, 2 em bị thương nặng. Sau khi sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, nhà trường thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt. Trong kế hoạch yêu cầu, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước giám đốc Sở về công tác tổ chức hoạt động trải nghiệm của trường. 

 Trước đó,  ngày 13/1, Trường tiểu học Âu Dương Lân (TP HCM) tổ chức cho 400 học sinh đi hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch Đại Nam. Một học sinh lớp 4 đã tử vong khi rơi xuống vùng biển nhân tạo. Đầu năm 2020, Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) tổ chức  đợt hoạt động trải nghiệm tại Đà Lạt. Trong chuyến trải nghiệm này, một học sinh ngã xe tử vong.

Năm 2018, Trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức đi dã ngoại cho học sinh toàn trường tại Thủy điện Hòa Bình và thác Thăng Thiên. Trên đường về thác, một học sinh đi xe đạp bị ngã tử vong. Hay như trước đó, trẻ mầm non ở TP HCM đi tham quan một trường học mới đã bị cánh cửa tủ sách thư viện đổ đè xuống khiến trẻ tử vong…

Phụ huynh lo lắng, bất an khi con đi học trải nghiệm

Điều đáng nói, sau tất cả những sự việc đau lòng, đáng tiếc trên xảy ra, đại diện các Sở GD&ĐT đều khẳng định, các nhà trường thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt; giao trách nhiệm cho hiệu trưởng về việc hướng dẫn kỹ năng, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Ngoài kiến thức trên sách vở, tăng cường dạy học kỹ năng, hoạt động trải nghiệm là cần thiết đối với học sinh. Tuy nhiên, điều phụ huynh quan tâm và lo lắng nhất đó chính là làm sao đảm bảo an toàn cho trẻ. Theo quan sát của PV, hiện nay từ các trường mầm non đến THPT đều tổ chức hoạt động dã ngoại nhưng cam kết đảm bảo an toàn cho học sinh thì không.

Thử hình dung, một lớp học có 40-50 học sinh, nhà trường tổ chức cho toàn trường với cả nghìn học sinh đi cùng lúc. Học sinh hiếu động, giáo viên ít… khó có thể quản lý, bao quát hết được tất cả hoạt động của học sinh. Chưa kể, chương trình kéo dài cả ngày, ngoài những giờ sinh hoạt chung sẽ có giờ nghỉ, học sinh “bày trò” ngoài tầm mắt giáo viên. Và những vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra như thế.

Chị Trần Thị Kim Anh, có con 5 tuổi học mẫu giáo ở Hoàng Mai chia sẻ, 2 năm học mẫu giáo, trường đều có kế hoạch cho con đi hoạt động trải nghiệm. Vì nhỏ tuổi nên trẻ được cho đi xem xiếc, múa rối, lên 5 tuổi con được đưa đi ở xưởng mộc. Nhưng cho con tham gia hay không là quyết định khó khăn với gia đình bởi vì con hào hứng muốn đi nhưng gia đình sợ rủi ro. Lớp gần 40 trẻ nhưng chỉ có 3 cô giáo phụ trách.

Trong quá trình đó, rất nhiều hoạt động như: tập trung trẻ lên xe, xuống xe, sang đường, trẻ nghịch, vấp ngã… “Rõ ràng, quá trình hoạt động tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khiến phụ huynh lo lắng. Cho con đi, cả ngày mẹ sốt ruột, không yên chỉ đến khi cô giáo nhắn tin vào nhóm lớp các con đã về đến trường an toàn mới thở phào”, chị Kim Anh nói.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh khi có con đi trải nghiệm. Trên diễn đàn, một phụ huynh có con học lớp 4 (Hà Nội) cho biết, từ năm sau sẽ không cho con tham gia hoạt động trải nghiệm cùng nhà trường. Lớp đông, cô giáo không quán xuyến được, năm ngoái sau một ngày trải nghiệm về quần áo con nguyên một bãi nôn do say xe không được thay, trưa con mải chơi không vào ăn nhưng cô cũng không hay biết.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.