Bí thư Hà Nội: Nếu không quyết liệt, du lịch Thủ đô sẽ tụt hậu

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc
TPO - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, trước yêu cầu nhiệm vụ và khó khăn, thách thức đặt ra năm 2021, nếu không hành động quyết liệt, sáng suốt và kịp thời, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 của thành phố.

Năm 2020, du lịch Hà Nội thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD

Sáng 19/1, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Du lịch và ngành Du lịch Hà Nội. Báo cáo tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng bình quân đạt 10,1%/năm; tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 17,6%/năm, trong đó năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng. Công suất sử dụng buồng phòng năm 2019 cũng đạt 67,9%.

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, năm 2020, du lịch Hà Nội thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD. Năm 2021, ngành Du lịch Thủ đô xây dựng 3 kịch bản phát triển; trong đó, đặt kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, phấn đấu thu hút 15,34 triệu lượt khách nội địa, bằng 70% năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020.

Hà Nội thiếu nhiều sản phẩm du lịch

Góp ý tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Hà Nội còn thiếu nhiều sản phẩm du lịch. Để khắc phục, thành phố phải tạo ra những sự kiện mang tính thương hiệu riêng; tập trung phát triển du lịch MICE (Meeting, Incentive, Conference, Event - du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, sự kiện); xây dựng một trung tâm triển lãm, hội chợ lớn; tổ chức một trung tâm giới thiệu ẩm thực...

Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, phải làm sao để cho người Hà Nội du lịch ngay tại Hà Nội mà không cần phải đi đến các tỉnh quá nhiều. Ngoài ra, Hà Nội cần xây dựng một gói sản phẩm du lịch năm 2021, chia ra để tháng nào cũng có sự kiện thu hút du lịch.

Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan đề nghị thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng các doanh nghiệp lữ hành lớn mạnh, thực sự là những “cú đấm thép”; tập trung làm mới các sản phẩm du lịch. Trong khi đó, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội Phạm Văn Bảy nhận định, Hà Nội có bộ quy chuẩn về ứng xử đưa vào áp dụng trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn, lan tỏa dần ra cộng đồng, từ đó xây dựng văn hóa tiếp đón khách du lịch hồ hởi, phấn khởi. Ông Phạm Văn Bảy cho rằng, mặc dù sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, nhưng mức giá lưu trú tại Hà Nội vẫn cao hơn nhiều so với Phú Quốc, Nha Trang. 

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, năm 2020, du lịch thành phố sụt giảm nghiêm trọng hơn bình quân chung cả nước. Qua đại dịch, ngành Du lịch Thủ đô đã bộc lộ những điểm yếu từ môi trường, hạ tầng, doanh nghiệp và đặc biệt là sản phẩm du lịch, quản lý nhà nước về du lịch. “Từ tư duy, nhận thức đến hành động, tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU chưa đạt yêu cầu, còn nhiều việc dở dang; các doanh nghiệp lữ hành còn nhỏ, sản phẩm đơn chiếc, thiếu đẳng cấp, thiếu chất lượng, còn nghèo nàn”, ông Huệ nói.

Theo ông Huệ, trước yêu cầu nhiệm vụ và khó khăn, thách thức đặt ra năm 2021, nếu không hành động quyết liệt, sáng suốt và kịp thời, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 của thành phố.

Trước mắt, theo ông Huệ, Sở Du lịch Hà Nội phải lập kế hoạch phục hồi du lịch năm 2021 trên tinh thần tập trung mọi nỗ lực để thu hút khách nội địa về với Hà Nội và tổ chức cho khách Hà Nội đi tham quan, du lịch ngay trong thành phố; tận dụng cơ hội tổ chức SEA Games và Para Games; đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo, triển lãm tầm cỡ quốc gia, quốc tế...

Rà soát lại các loại giá, phí thăm quan

Theo Bí thư Hà Nội, ngành Du lịch phải chuẩn bị tâm thế để khi hết dịch COVID-19 mở cửa trở lại thì Hà Nội đã có những sản phẩm du lịch đẳng cấp khác để thu hút khách quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động du lịch; rà soát, tính toán lại các loại giá, phí tham quan, phân biệt rõ đối tượng miễn, giảm và mức giá hợp lý với các đối tượng khác, làm sao để không phải bù lỗ, không làm giảm giá trị di tích, danh lam, thắng cảnh...

Thành phố đồng thời phải đẩy mạnh du lịch học đường, mở thêm các tour, tuyến du lịch đường sông, du lịch tâm linh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng; nghiên cứu xây dựng con đường du lịch xuyên thành phố; hình thành các làng ẩm thực, phố ẩm thực; thúc đẩy du lịch làng nghề; thực hiện dự án Km0; phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ; kết nối các ngành kinh tế khác như văn hóa, công thương, nông nghiệp... với du lịch.

Bí thư Hà Nội lưu ý, mục tiêu của ngành Du lịch Hà Nội là phấn đấu đạt từ 50-70% lượng khách nội địa của năm 2019, nhưng phải phấn đấu đạt mức cận trên là 70%.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, năm 2020, cả khách quốc tế và khách nội địa đến Hà Nội đều sụt giảm mạnh (giảm khoảng 70%), thiệt hại của ngành du lịch rất lớn. Tổng lượng đóng góp của ngành Du lịch thành phố cho GRDP chỉ còn khoảng 3,4%. Ông Huệ cho rằng, dự báo du lịch thế giới phải 2,5-4 năm mới phục hồi lại được như năm 2019; nên năm 2021 để tăng trưởng được, ngành Du lịch phải dựa vào khách nội địa. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Thủ đô hiện nay rất hạn chế: Du lịch làng nghề trọng điểm như Vạn Phúc chưa rõ; điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long gần như “dậm chân tại chỗ”; không có địa điểm “Outlet” nào, thiếu địa điểm vui chơi, giải trí tầm cỡ; chưa tổ chức được sự kiện tầm cỡ quốc gia, quốc tế mang tính thương hiệu... Kết quả thực hiện những giải pháp lâu dài theo Nghị quyết số 06-NQ/TU cũng còn nhiều thiếu sót, chưa đạt yêu cầu. “Tôi nhấn mạnh rằng, sự phục hồi của ngành Du lịch là một trong những nhân tố quyết định nhất đối với tăng trưởng của thành phố trong năm 2021, dù là kịch bản cơ sở tăng 7,5% hay các kịch bản khác”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 

MỚI - NÓNG