Sáng tạo giúp ích cuộc sống từ trên ghế nhà trường

Phương Nguyên và Tuấn Sơn bên mô hình tự động chăm sóc vườn rau Ảnh: PV
Phương Nguyên và Tuấn Sơn bên mô hình tự động chăm sóc vườn rau Ảnh: PV
TP - Gần 300 đề tài nghiên cứu khoa học của 700 sinh viên, học sinh Đà Nẵng tại Hội nghị Nghiên cứu khoa học và Triển lãm sản phẩm công nghệ (Techshow BKDN 2021) đã tạo đột phá mới về sự sáng tạo, thể hiện trách nhiệm cao với xã hội ngay từ trên ghế nhà trường.

Chứng kiến sự vất vả của bà con nông dân khi phải chăm sóc hoa màu, nhổ cỏ trên các vườn rau, vườn hoa rộng cả chục hec ta, nhóm bạn trẻ: Từ Phương Nguyên, Đỗ Tuấn Sơn, Nguyễn Quang Hiếu của Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã sáng tạo mô hình Tự động chăm sóc vườn rau, dựa trên phân tích ảnh sử dụng phương pháp học sâu (Deep learning). Mô hình dựa trên dữ liệu kiểm tra, phân tích hơn 2.000 hình ảnh để gắn nhãn đối tượng, phân loại cỏ dại và rau.

Theo nhóm tác giả, ý tưởng được hình thành và bắt đầu nghiên cứu từ đầu năm 2020. Cả nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của TS. Phan Trần Đăng Khoa, từ bản vẽ trên giấy đã cho ra đời sản phẩm hữu ích, có giá trị thực tiễn cao.

Đến với gian trưng bày các dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) của ĐH Bách khoa, chứng kiến thêm nhiều sản phẩm đem lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng. Trong đó phải kể đến sản phẩm “Hỗ trợ cảnh báo tư thế ngồi chống gù lưng”. Hệ thống hỗ trợ cảnh báo tư thế ngồi chống gù lưng hoạt động cảnh báo bằng giọng nói, người sử dụng có thể thu âm trực tiếp giọng nói của mình để làm âm báo. Với giá thành rẻ, chỉ từ 300 ngàn đồng cho mỗi sản phẩm, có thể gắn trực tiếp lên ghế ngồi, xe gắn máy. Thiết kế nhỏ gọn, thuận tiện để mang theo mọi lúc, mọi nơi. Sản phẩm được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, hứa hẹn là sản phẩm hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của trẻ nhỏ.

Với đề tài thiết kế và chế tạo máy gắp đặt linh kiện SMT của sinh viên Mai Hồng Sơn (ĐH Bách khoa), đã giành giải Nhất sáng tạo. Đây là chiếc máy chuyên dụng dành cho quy trình sản xuất prototypes và linh kiện điện tử, có giá trị cao đối với doanh nghiệp. Còn đề tài thiết kế thiết bị đeo tay theo dõi trẻ và cảnh báo tháo gỡ của 2 sinh viên Nguyễn Thùy Nhiên và Trần Đình Thiện Quang, với thiết kế và tính năng nổi trội, cảnh báo cho phụ huynh biết được vị trí của trẻ và nguy hiểm đối với trẻ, đã giành giải Nhì sáng tạo.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Tào Quang Bảng, Trưởng Phòng KHCN&HTQT (ĐH Bách khoa), cho biết: Techshow BKDN 2021 là sân chơi hằng năm của sinh viên Bách khoa. Nhưng 2 năm trở lại đây, Bách khoa liên kết cùng Trường THPT Phan Châu Trinh để lan toả đam mê khoa học công nghệ cho các bạn học sinh. Năm 2021, Sở GD&DT thành phố cùng tham gia tổ chức, kêu gọi các trường THPT trên địa bàn đóng góp các ý tưởng và dự án khoa học, khơi dậy đam mê sáng tạo.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đánh giá: “Đội ngũ nghiên cứu khoa học ngày càng trẻ hơn với nhiều sinh viên tham gia. Chất lượng các báo cáo khoa học của sinh viên, học sinh đã được nâng cao rõ rệt. Đây là cơ hội tốt để sinh viên, học sinh giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu của mình, thể hiện được tính thông minh, sáng tạo và trách nhiệm cao với xã hội”.

Techshow BKDN 2021 đã trao giải Nhất cho đề tài: “Thiết kế và chế tạo máy gắp đặt linh kiện SMT” (SV Mai Hồng Sơn); giải Nhì cho các đề tài: “Thiết kế thiết bị đeo tay theo dõi trẻ và cảnh báo tháo gỡ” (SV Nguyễn Thùy Nhiên, Trần Đình Thiện Quang); “Ứng dụng công nghệ BIM vào hạng mục hạ tầng giao thông thuộc dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc – tỉnh Quảng Ngãi” (SV Nguyễn Viết Hào, Hoàng Công Quý)... 

MỚI - NÓNG