Nước nghèo thiếu vắc-xin, nước giàu cũng sẽ thiệt hại

Nhiều người nghèo mất sinh kế vì tình trạng phong tỏa để hạn chế dịch bệnh Ảnh: EPA-EFE
Nhiều người nghèo mất sinh kế vì tình trạng phong tỏa để hạn chế dịch bệnh Ảnh: EPA-EFE
TP - Với việc độc quyền cung cấp vắc-xin COVID-19, các nước giàu có thể gây ra không chỉ thảm kịch nhân đạo, mà những hậu quả nặng nề về kinh tế cuối cùng cũng sẽ tác động xấu đến các nước giàu với mức độ không kém gì ở thế giới đang phát triển.

Đó là kết luận quan trọng trong nghiên cứu được công bố vào ngày 25/1. Có khả năng các nước giàu sẽ hoàn thành tiêm chủng vắc-xin cho toàn bộ dân số của họ vào giữa năm nay, trong khi những nước nghèo vẫn chưa có vắc-xin. Báo New York Times dẫn kết luận của nghiên cứu nói rằng kinh tế toàn cầu sẽ mất hơn 9 nghìn tỷ USD, khoản tiền lớn hơn tổng GDP hằng năm của Nhật và Đức gộp lại. Gần một nửa chi phí đó sẽ do các nước giàu có như Mỹ, Canada và Anh hứng chịu.

Nếu các nước đang phát triển tiêm được cho một nửa dân số của họ vào cuối năm nay, kinh tế thế giới sẽ vẫn thiệt hại 1,8-3,8 nghìn tỷ USD. Hơn một nửa chi phí đó sẽ rơi vào các nước giàu.

Nghiên cứu do Phòng Thương mại quốc tế (tổ chức đại diện doanh nghiệp lớn nhất thế giới) uỷ quyền thực hiện khẳng định rằng việc phân phối vắc-xin một cách công bằng sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các nước, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại. Kết luận này phản bác lại ý kiến phổ biến cho rằng chia sẻ vắc-xin với các nước nghèo hơn là một hình thức từ thiện.

“Rõ ràng là tất cả các nền kinh tế đều kết nối với nhau. Không nền kinh tế nào có thể hồi phục hoàn toàn trừ khi những nền kinh tế khác đã hồi phục”, GS Selva Demiralp, một nhà kinh tế học tại ĐH Koc ở Istabul và là một trong những tác giả của nghiên cứu, nói.

Ý kiến cho rằng đại dịch không phân biệt biên giới quốc gia, chủng tộc hay giai tầng xã hội không hoàn toàn đúng. Thực tế là COVID-19 gây tử vong nhiều hơn và làm mất sinh kế của các lao động trực tiếp, trong khi phần lớn các nhân viên văn phòng có thể làm việc an toàn hơn ở nhà, và nhiều người giàu có khắp thế giới tách biệt mình trên những du thuyền hoặc đảo riêng.

Nhưng trong thương mại quốc tế, không gì có thể trốn khỏi virus corona. Các chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng cho công nghiệp sẽ tiếp tục bị gián đoạn chừng nào virus vẫn hoành hành.

Nhóm nhà kinh tế học từ ĐH Koc, ĐH Harvard và ĐH Maryland khi thực hiện nghiên cứu này đã tập hợp số liệu thương mại của 35 ngành công nghiệp ở 65 quốc gia, để đánh giá sâu rộng về tác động kinh tế của tình trạng phân phối vắc-xin không đồng đều.

Nếu người dân các nước đang phát triển vẫn mất việc vì phong toả, họ sẽ có ít tiền để chi tiêu, làm giảm doanh số bán hàng của các nhà xuất khẩu ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á. Nhiều công ty đa quốc gia ở các nước phát triển sẽ khó mua các bộ phận, linh kiện và hàng hoá cần thiết.

Nghiên cứu tìm ra rằng nếu đại dịch tiếp tục xảy ra ở các nước nghèo, các ngành kinh tế phụ thuộc vào nguồn cung trên khắp thế giới sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó có các ngành ô tô, dệt may, xây dựng và bán lẻ.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.