Ngày 20/10 khai mạc kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII:

Phiếu tín nhiệm là kênh tham khảo quy hoạch cán bộ

Phiếu tín nhiệm là kênh tham khảo quy hoạch cán bộ
TP - Chiều 17/10, tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIII, trả lời Tiền Phong về công tác lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là kênh tham khảo để quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới của Đảng.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một nội dung quan trọng tại kỳ họp này là QH lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 cán bộ giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Hình thức lấy phiếu lần thứ hai vẫn giống lần đầu, phiếu gồm 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong liên quan đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới của Đảng, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên thế giới chỉ có Việt Nam thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu có tác động tốt. Tại lần lấy phiếu đó, một số thành viên Chính phủ có số phiếu không cao, nhưng sau một thời gian, các đồng chí đó thấy cần phải rút kinh nghiệm và làm tốt hơn, tích cực, sâu sát hơn nữa.

Do vậy, đến nay lĩnh vực mà một số đồng chí lần đầu phiếu thấp đã có chuyển biến tốt, được cử tri, nhân dân đồng tình. Điều này cho thấy, việc lấy phiếu có hiệu quả tích cực.

Về nội dung cần rút kinh nghiệm trong lấy phiếu, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lần này báo cáo của cán bộ được lấy phiếu sẽ thống nhất theo mẫu đề cương hướng dẫn, tránh trường hợp người thì viết quá dài, người thì quá ngắn.

Nói thêm về việc sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, ông Phúc cho rằng, cần có sự khác nhau giữa lấy phiếu và bỏ phiếu. “Bỏ phiếu thì đúng là chỉ có hai mức thôi, nhưng lấy phiếu thì phải có ba mức vì đây là đánh giá, khảo sát tín nhiệm. Nếu mà lấy phiếu và bỏ phiếu cũng giống nhau thì chỉ cần hai mức, bỏ phiếu luôn chứ việc gì phải lấy phiếu nữa.

Lấy phiếu là một kênh để đánh giá cán bộ, việc một năm hay hai năm tiến hành một lần thì trong quá trình thảo luận để sửa đổi cần phải xem xét rất kỹ để có quyết định, làm thế nào đủ cơ sở để đánh giá cán bộ”, ông Phúc nói.

Bà Phan Thị Toàn, Vụ trưởng Vụ Thông tin (Văn phòng QH) cho biết, kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tại Nhà Quốc hội mới. Theo chương trình, QH dành khoảng 2/3 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể, QH xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 nghị quyết; cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác. “Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được QH thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước tới nay”, bà Toàn cho biết.

Đặc biệt, QH sẽ dành khoảng 14 buổi để truyền hình, phát thanh trực tiếp, tăng 3 buổi so với kỳ họp trước. Trong đó, có các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015; về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

Tại kỳ họp này, QH cũng nghe báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng”; cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. QH cũng nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Trả lời báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, phiên họp về nội dung biển Đông QH sẽ họp riêng. “Trong quá trình nghe về biển Đông QH cũng bàn về biện pháp, chính sách nên bàn trong nội bộ. QH họp riêng cũng là thông lệ mà QH các nước thường thực hiện”, ông Phúc cho biết thêm.

MỚI - NÓNG