Căng thẳng biển Đông, chạm trán Trung-Mỹ

Trung Quốc biến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa thành căn cứ quân sự. Ảnh: HIS Janes.
Trung Quốc biến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa thành căn cứ quân sự. Ảnh: HIS Janes.
TP - Ngày 20/5, hải quân Trung Quốc lần đầu tiên cảnh báo, xua đuổi máy bay trinh sát Mỹ 8 lần, yêu cầu rời khỏi vùng trời trên các bãi đá ở biển Đông mà Trung Quốc ráo riết bồi đắp, CNN đưa tin.

Chiếc máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Mỹ thám sát thì hải quân Trung Quốc liên lạc. “Đây là Hải quân Trung Quốc... Đây là Hải quân Trung Quốc... Hãy rời khỏi khu vực này...”, một sĩ quan hải quân Trung Quốc thông báo cho phi hành đoàn bằng tiếng Anh, phóng viên CNN có mặt trên chiếc Poseidon kể lại. Phi công đáp trả rằng, máy bay Mỹ đang hoạt động trên vùng biển quốc tế. CNN ghi nhận, Trung Quốc đã mở rộng thêm 2.000 mẫu đất cho các đảo nhân tạo trong hai năm qua. Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc cho phép phóng viên CNN tháp tùng máy bay săn ngầm P8-A Poseidon tuần tra trên biển Đông.

Các đoạn phim do máy bay thám sát Poseidon quay trong tuần cho thấy, trên một trong những đảo chìm, đá Chữ Thập, đã có một doanh trại quân đội và một đường băng dài khoảng 3.000m. Lực lượng hải quân và chấp pháp Trung Quốc đang nỗ lực duy trì sự hiện diện sức mạnh mang tính răn đe quanh các đảo nhân tạo.

“Chúng tôi đã tận mắt thấy sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc, mà gần đây nhất là những hoạt động tương tự việc xây dựng cơ sở hạ tầng căn cứ quân sự”, cơ trưởng Mike Parker, chỉ huy trưởng đơn vị máy bay tuần thám Mỹ ở khu vực châu Á, nói với CNN. Từ buồng lái, sĩ quan Matt Newman cho biết, nhìn rất rõ nhiều chiến hạm và tàu tuần tra Trung Quốc. “Họ có radar hàng không và chắc chắn đang theo dõi chúng tôi”, ông Newman nói.

Cựu Phó giám đốc CIA Michael Morell nhận định, cuộc chạm trán mới nhất cho thấy hoàn toàn có nguy cơ Mỹ và Trung Quốc xung đột vũ trang trong tương lai. Bắc Kinh đang vận hành tàu sân bay đầu tiên, trang bị các tên lửa hạt nhân mới mang nhiều đầu đạn, triển khai tên lửa có khả năng tiêu diệt tàu chiến Mỹ… “Trung Quốc là một cường quốc đang nổi lên. Còn chúng ta (Mỹ) là siêu cường hiện tại. Chúng ta đang là vật cản lớn… Họ lại muốn nhiều ảnh hưởng hơn”, ông Morell nói. Theo ông, đó sẽ là một vấn đề lớn đối với tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Theo hãng tin Anh Reuters, sự cố mới nhất, cùng với việc gần đây Trung Quốc nhiều lần xua đuổi máy bay Philippines khỏi khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa ở biển Đông cho thấy, Bắc Kinh đang cố gắng tăng cường quân sự hóa trên các đảo nhân tạo. Trung Quốc mới đây tuyên bố có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông nếu thấy cần.

Việt Nam kêu gọi các nước tôn trọng luật pháp quốc tế

Chiều qua, trong cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam sau khi kênh CNN công bố video tàu Mỹ bị Hải quân Trung Quốc đuổi nhiều lần ở vùng biển quốc tế trên biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, biển Đông là tuyến vận tải hàng hải quan trọng của thế giới và là hành lang hàng không quốc tế quan trọng. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích và nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực.

“Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các nước liên quan đóng góp tích cực và trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải hàng không ở biển Đông, đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không làm phức tạp thêm tình hình”, ông Lê Hải Bình nói.

Việt Nam theo sát hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981

Tại cuộc họp báo chiều 21/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát sao hoạt động của các bên trên biển Đông, trong đó có hoạt động cũng như vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.