Nga lộ thời điểm thử siêu tên lửa đạn đạo Sarmat

Nga lộ thời điểm thử siêu tên lửa đạn đạo Sarmat
TPO - Ngành công nghiệp quốc phòng Nga được cho là đã hoàn thành nguyên mẫu tên lửa đạn đạo thế hệ mới Sarmat, và cuộc thử nghiệm lần đầu dự kiến diễn ra vào mùa Hè 2016.

Hãng Tass ngày 17/11 dẫn nguồn tin từ Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga, cho biết, một nguyên mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới Sarmat đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến, việc phóng thử nghiệm lần đầu tiên sẽ diễn ra vào mùa Hè năm 2016.

Nguyên mẫu tên lửa Sarmat được hình thành muộn hơn một vài tháng so với kế hoạch ban đầu, tuy nhiên, khung thời gian đưa mẫu tên lửa này vào phục vụ trong quân đội vẫn giữ nguyên là vào năm 2018.

Theo đó, nhà máy Krasnoyarsk được xác định đã sản xuất 100% thiết bị liên quan tới tên lửa Sarmat và sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm đưa tên lửa này vào ống phóng.

“Việc thử nghiệm tên lửa Sarmat phụ thuộc vào thời gian nâng cấp các ống phóng cố định ở khu thử nghiệm Plesetsk. Nga dự định sẽ hoàn thành công việc này vào tháng 3/2016 và thử triển khai tên lửa ngay sau đó”, hãng Tass dẫn nguồn tin từ Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, đặc điểm vật lý và thông số kỹ thuật của tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat này vẫn được giữ bí mật.

Tuy nhiên, các tuyên bố của giới chức Bộ Quốc phòng Nga trước nay cũng ít nhiều hé mở tính năng vượt trội của Sarmat so với các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện nay của Nga cũng như các cường quốc khác trên thế giới.

Giữa năm 2013, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết, phần đầu của tên lửa nặng khoảng mười tấn.

Các nguồn tin từ tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga sau đó tiết lộ, tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat có tầm bắn không dưới 5.500 km (trên 3.400 dặm), sẽ thay thế loại tên lửa chiến lược lớn nhất thế giới Voevoda (NATO gọi là Satan) vào khoảng thời gian từ 2018 đến 2020.

Tháng 12/2013, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakayev cho biết, tên lửa Sarmat dự kiến sẽ được trang bị các hệ thống đối phó điện tử tiên tiến, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát phức hợp và có khả năng cơ động cao, cho phép nó thâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Theo Theo Tass
MỚI - NÓNG