Dân buôn siêu xe Mỹ phát tài nhờ phú nhị đại Trung Quốc

Giới trẻ Trung Quốc tại Mỹ coi siêu xe là trải nghiệm nên có khi du học. Ảnh: Tom Starkweather
Giới trẻ Trung Quốc tại Mỹ coi siêu xe là trải nghiệm nên có khi du học. Ảnh: Tom Starkweather
Khi Michael Kwan từ Hong Kong (Trung Quốc) tới Mỹ năm 2012 để học đại học, cha mẹ đã cho anh số tiền rất hào phóng để trả sinh hoạt phí.

Con số đó dư khá nhiều so với những gì anh cần cho cuộc sống trong ký túc xá Đại học Illinois ở Urbana–Champaign. Vì thế, Kwan dùng tiền thừa để mua một chiếc Cadillac Escalade 800.000 USD.

Ý định của anh là "có xe lớn và phù hợp với văn hóa Mỹ". Nhưng Kwan nhanh chóng nhận ra mình trở nên lạc lõng khi trong trường chỉ có khoảng chục chiếc siêu xe. Tất cả đều là của sinh viên Trung Quốc. Thậm chí, họ còn lái xe nhỏ hơn, như Nissan GT-R hay BMW M5.

Đến cuối năm nhất, cậu sinh viên khoa cơ khí này đã đổi từ chiếc Escalade sang Maserati Quattroporte 100.000 USD. Anh thường mang chiếc xe này đến các buổi gặp mặt được tổ chức lúc đêm muộn.

Phản ứng từ những người bạn Mỹ của anh là ghen tỵ. "Có rất nhiều người muốn ngồi lên xe tôi. Thỉnh thoảng tôi sẽ chở họ đi", Kwan cho biết. Anh giải thích mình và những người bạn Trung Quốc thường giàu hơn dân địa phương.

Số sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ năm học 2014-2015 đã tăng 11% so với khóa trước, lên hơn 300.000 người. Con số này cũng gấp 5 lần thập kỷ trước, theo báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE). Riêng Đại học Illinois ở Urbana-Champaign đã có gần 5.000 sinh viên Trung Quốc, trên tổng số 44.000 người. Đây là một trong những nơi tập trung sinh viên Trung Quốc đông nhất Mỹ.

Từ vùng nông thôn, đến các thành phố lớn, hay ven biển, sinh viên Trung Quốc không chỉ thay đổi văn hóa tại các trường đại học Mỹ, mà còn làm bùng nổ kinh tế tại đây. IIE cho biết năm ngoái, sinh viên Trung Quốc đã bơm tới 9,8 tỷ USD vào Mỹ, thông qua học phí và các khoản sinh hoạt.

Dân buôn siêu xe Mỹ phát tài nhờ phú nhị đại Trung Quốc ảnh 1

Nicholas Lam bên chiếc 2012 Mercedes SLS. Ảnh: Tom Starkweather

New York là điểm đến phổ biến với họ. Và Nicholas Lam (25 tuổi) cũng là một trong số đó. Lam sinh ra tại Thượng Hải, tốt nghiệp Đại học Stony Brook ở Long Island năm 2013 và đã xây dựng một công ty nhỏ có tên New York Auto Depot - chuyên bán siêu xe cũ, mới cho sinh viên Trung Quốc.

Lam thừa nhận khi mới tới đây năm 2009, anh không biết nhiều về xe cộ. "Nhưng sau khi mua một chiếc với cái giá mà sau đó tôi mới biết là cắt cổ, tôi quyết định tìm hiểu mọi thứ để kinh doanh", anh nói.

Lam hiện có 8 nhân viên toàn thời gian và 54 cộng tác viên tại các trường đại học vùng ven biển phía đông. Anh cho biết 95% khách hàng là du học sinh Trung Quốc, chủ yếu tại các trường đại học quanh Boston và Washington. Những chiếc xe sang tầm giá 100.000 USD đóng góp khoảng 20% doanh thu cho công ty.

Theo hãng nghiên cứu thị trường CNW Research, sinh viên Trung Quốc tại Mỹ mua gần 15,5 tỷ USD xe mới và cũ năm học 2012-2013. Những thương hiệu được ưa chuộng nhất là Mercedes-Benz, Lexus và BMW.

Dân buôn siêu xe Mỹ phát tài nhờ phú nhị đại Trung Quốc ảnh 2

95% khách hàng của New York Auto Depot là du học sinh Trung Quốc. Ảnh: Tom Starkweather

Timothy Lin là người nổi tiếng thích theo trào lưu. Anh có một trang web tiếng Trung - CollegeDaily, nhắm vào du học sinh Trung Quốc tại Mỹ. Trang này hiện có 600.000 thành viên, cả trong nước và nước ngoài. Họ bàn luận mọi vấn đề, từ Donald Trump, cách dùng ứng dụng hẹn hò Tinder đến các mặt hàng xa xỉ mới nhất.

Lin cho biết dù nhiều sinh viên Mỹ xem xe sang là xa xỉ, sinh viên Trung Quốc lại coi đây là sự món hời. "Nếu tôi nói rằng ra nước ngoài, anh có thể mua Ferrari với giá bằng nửa trong nước, anh sẽ làm gì? Anh sẽ mua ngay, vì nó là một món hời khổng lồ, là cơ hội nghìn năm có một", Lin nói.

Một chiếc Ferrari 458 tại Boston có giá chỉ 290.000 USD. Còn ở Bắc Kinh, con số này là hơn 700.000 USD. Phú nhị đại Trung Quốc (tiếng lóng chỉ thế hệ con của những người giàu có) coi 4 năm đại học tại Mỹ là thời gian để trải nghiệm những chiếc xe trong mơ, quần áo hàng hiệu và cuộc sống xa xỉ với mức giá rẻ hơn trong nước rất nhiều.

Các thương hiệu cao cấp cũng ý thức được nhu cầu này. Sinh viên Trung Quốc chịu chi thường là những người sẽ chỉ điểm cho bạn bè khi quay về nước. Vì thế, các thương hiệu sẽ làm mọi việc có thể để tận dụng nguồn khách hàng này.

Bloomingdales gần đây đã tổ chức một show thời trang cho sinh viên Trung Quốc tại Chicago. Trung tâm thương mại cao cấp Bergdorf Goodman tài trợ cho Tết Nguyên đán tại Đại học Columbia và New York. Còn State College Motors (bán Mercedes-Benz, Audi và nhiều xe sang khác) cũng tài trợ cho một triển lãm ôtô dành cho Hiệp hội sinh viên Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania.

Trong thời kỳ suy thoái, rất nhiều trường đại học ở Mỹ đã tăng cường tuyển sinh viên quốc tế. Do mức học phí cao hơn đáng kể sẽ giúp bù lại cho sinh viên Mỹ. Ví dụ, Đại học Iowa hiện có gần 3.000 sinh viên Trung Quốc, gấp 5 lần so với năm 2007. Hình ảnh những chiếc xe sang đỗ đầy ký túc xá đã trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ.

"Đây là câu chuyện về phát triển kinh tế. Bọn họ đến đây, và bằng rất nhiều cách, đã thực sự thay đổi bộ mặt của Iowa", Tom Snee tại Dịch vụ Tin tức Đại học Iowa cho biết.

Tại một trung tâm mua sắm gần văn phòng của Snee, "8 trên 10 người là người Trung Quốc". Rất nhiều cửa hàng tại đây trước đó từng vắng hoe. Quanh trường học chỉ có một hàng Starbucks, nhưng có tới 3 quán trà sữa. Các đại lý ôtô tại Iowa cũng tăng trưởng mạnh về khách hàng quốc tế.

Dù vậy, khi đến mùa tốt nghiệp, các sinh viên sẽ bán lại xe của mình để trở về Trung Quốc. "Nhiều người không quan tâm đến giá cả đâu. Họ chỉ muốn bán nhanh thôi. Một số bán cho đại lý. Nhưng đa phần là bán lại cho những người như tôi", Lam cho biết.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG