Anh có thể mất hàng ngàn bác sĩ hậu Brexit

Anh có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân lực trong ngành y tế hậu Brexit.
Anh có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân lực trong ngành y tế hậu Brexit.
TPO - Khoảng 12.000 bác sĩ được đào tạo tại các nước châu Âu có thể bỏ Vương quốc Anh vì cảm thấy không được chào đón sau cuộc bỏ phiếu Brexit, theo một cuộc khảo sát của các nhân viên y tế ở nước ngoài.

Nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) cho biết, khoảng 2 trong 5 bác sĩ đủ điều kiện làm việc tại các nước trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) đang cân nhắc rời khỏi Anh hậu Brexit.

Tuyên bố này báo động về một cuộc “khủng hoảng” cán bộ y tế sắp xảy ra ở Anh. Nhiều người lo ngại, việc ra đi của các bác sĩ EEA có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân viên trong các bệnh viện NHS (Dịch vụ y tế quốc gia ở Anh).

Kết quả nghiên cứu trên rút ra dựa trên một cuộc khảo sát 1.193 bác sĩ EEA làm việc tại Vương quốc Anh.

Khi được hỏi về việc có ý định rời khỏi Anh sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit hồi năm ngoái, 500 bác sĩ (chiếm 42%) trả lời “có”, 309 người (26%) chọn “không”, 278 người (23%) đang lưỡng lự, còn 106 không trả lời.

“Họ đều là những nhân viên trong các bệnh viện của chúng tôi và bác sĩ gia đình. Nhiều người có kinh nghiệm phục vụ tại các dịch vụ chăm sóc y tế ở Anh. Do đó, thật đáng lo ngại khi biết, nhiều người có ý định rời khỏi đất nước.

Ở thời điểm hiện tại, NHS đang đối mặt với tình trạng quá tải và thiếu nhân lực trầm trọng. Nếu các bác sĩ EEA rời đi sẽ thực sự là “thảm họa”, đe dọa đến tôn chỉ luôn cung cấp các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tốt nhất. Đây không chỉ về số lượng, mà còn là chất lượng dịch vu y tế từ các bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm và chuyên môn dày dặn”, Tiến sĩ Mark Porter, chủ tịch BMA, nói.

EEA bao gồm 28 thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Na Uy, Iceland và Liechtenstein.

Số liệu từ Hội đồng Y khoa Anh cho biết, có khoảng 280.932 bác sĩ trên sổ đăng ký y khoa. Trong đó, 177.912 (63%) được đào tạo tại Anh, 30.733 (11%) có trình độ EEA và 72.287 (26%) từ các nơi khác trên thế giới.

Theo ông Porter, các bác sĩ EEA cảm thấy không được chào đón, cũng như không chắc chắn về việc liệu họ và gia đình có quyền sống và làm việc tại Anh hậu Brexit.

“Kể từ khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý Anh rời khỏi EU, tôi cảm thấy không chắc chắn về tương lai của minh ở đây. Tôi đang xem xét trở lại Đức. Điều này thật đáng buồn, tôi xem Anh là quê hương của mình và đã cống hiến cho đất nước này suốt 20 năm qua. Bây giờ, tôi cảm thấy mình như người ngoài, phải chứng minh rằng tôi xứng đáng được sống và làm việc ở đây”, bác sĩ Birgit Woolley, người Đức có 20 năm làm việc ở Anh, chia sẻ.

Đáp lại những lo ngại, phát ngôn viên Bộ Y tế Anh khẳng định: “Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều lần, người lao động người ngoài là một phần quan trọng của NHS. Chúng tôi luôn đánh giá cao những đóng góp của họ. Chúng tôi vẫn muốn thêm nữa những thành tựu của các bác sĩ và y tá được đào tạo ở nước ngoài trong tương lai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các sinh viên y khoa trong nước”.

Theo Theo Guardian
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.