Trình Quốc hội dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

TP - Tại phiên họp thứ 11 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án sẽ trình tờ trình của Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông ra Kỳ họp thứ 3 này để Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Bộ GTVT, nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước cho thấy, dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc- Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu hàng hóa/năm. 

Về phương án đầu tư, do toàn bộ dự án có quy mô rất lớn nên Bộ GTVT kiến nghị chia làm 20 dự án thành phần vận hành độc lập để đầu tư với các hình thức khác nhau, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc: Các dự án hoàn thành có thể đưa vào khai thác độc lập, kết nối được với hệ thống; quy mô dự án không quá lớn để có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP...

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT xây dựng phương án đầu tư thành hai giai đoạn, trước và sau năm 2025. Cụ thể, trong giai đoạn 1 (năm 2017- 2025), ưu tiên số một sẽ là từ năm 2017- 2020, đầu tư khoảng 713 km, chia thành 8 dự án thành phần. Đến giai đoạn ưu tiên hai, từ năm 2021- 2025 sẽ đầu tư khoảng 659 km, chia thành 9 dự án thành phần. Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ được giao cho các địa phương thực hiện.

Theo dự kiến được Bộ GTVT xây dựng, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư toàn tuyến hơn 27 nghìn tỷ đồng. Sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng hơn 312 nghìn tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 (năm 2017 – 2025) có tổng mức đầu tư hơn 243 nghìn tỷ, hơn 69 nghìn tỷ còn lại thuộc giai đoạn hai, sau năm 2025.

MỚI - NÓNG