Bị siết đủ đường, Triều Tiên còn gì để trừng phạt?

Công nhân Triều Tiên trong một nhà máy may ở Kaesong (Triều Tiên). Ảnh: Getty Images
Công nhân Triều Tiên trong một nhà máy may ở Kaesong (Triều Tiên). Ảnh: Getty Images
TPO - Chỉ một tháng sau khi bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ra lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng chính như than, sắt, hải sản..., Triều Tiên lại tiếp tục đối mặt với những gói trừng phạt mới mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế trong nỗ lực nhằm bóp nghẹt chương trình quân sự của Bình Nhưỡng.

Hồi đầu tháng Tám, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết trừng phạt nặng nề nhằm vào Triều Tiên, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản..., Dự kiến, nghị quyết này có thể khiến doanh thu xuất khẩu hàng năm của Triều Tiên (hiện đang là 3 tỷ USD/năm) bị cắt giảm 1/3.

Dù vậy, những biện pháp trừng phạt tưởng chừng như có thể “cắt đường sống” của Triều Tiên này, theo giới phân tích, vẫn sẽ không đủ để khiến Chủ tịch Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đang phát triển như vũ bão.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: nếu Hội đồng Bảo an quyết định tiếp tục trừng phạt Bình Nhưỡng, thì mặt hàng hay lĩnh vực kinh doanh nào sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo?

Dầu thô

Theo CNN, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 90% tổng lượng ngoại thương của Triều Tiên, cung cấp sự kết nối sống còn giữa chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un với nền kinh tế toàn cầu.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc mang lại cho Triều Tiên một nguồn thu quan trọng. Ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu sang nước láng giềng những hàng hóa mà quốc gia này cần cho các hoạt động thiết yếu, trong đó, đứng đầu danh sách là dầu thô.

Hiện, lượng dầu thô mà Trung Quốc bán cho Triều Tiên không thể xác định một cách chính xác, vì Bắc Kinh đã ngừng đưa con số này vào dữ liệu hải quan từ vài năm trước. Sự thiếu minh bạch này khiến nhiều chuyên gia hoài nghi về tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này đang tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên.

“Nếu Trung Quốc cắt hoàn toàn nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên, hoặc thậm chí đóng cửa biên giới Trung – Triều, thì vẫn khó có thể khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Ngược lại, việc làm này còn khiến quan hệ Trung – Triều rạn nứt”, tờ Global Times nhận định.

Theo dự báo của CNN, Mỹ có thể sẽ nhắm đến mặt hàng dầu thô trong gói trừng phạt sắp tới nhằm vào Bình Nhưỡng. Động thái này sẽ gây áp lực nặng nề lên Triều Tiên, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất khác nhau, bao gồm cả nông nghiệp.

May mặc

Lệnh trừng phạt mới nhất của LHQ đã buộc Triều Tiên phải ngừng xuất khẩu ba trong số năm mặt hàng chủ lực thường được xuất sang nước láng giềng Trung Quốc. Hai mặt hàng còn lại là dệt và may mặc.

Hiện không rõ ngành dệt may của Triều Tiên hoạt động có hiệu quả hay không. Nhưng một số dữ liệu thương mại cho thấy kim ngạch xuất khẩu ngành hàng may mặc của Triều Tiên đã giảm trong năm ngoái.

Đến năm nay, một báo cáo của Reuters tiết lộ các công ty Trung Quốc có xu hướng tăng cường thuê các nhà máy Triều Tiên sản xuất quần áo “Made in China”, rồi xuất khẩu ra nước ngoài.

Sự tăng trưởng rõ ràng của ngành dệt may Triều Tiên đã khiến lĩnh vực này trở thành một mục tiêu tiềm năng mà gói trừng phạt mới có thể nhắm đến trong tương lai gần.

Ngân hàng Trung Quốc

Mối nghi ngờ về sự trung thực của Moscow và Bắc Kinh trong việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng đã thúc đẩy Washing đề ra các lệnh trừng phạt thứ cấp nhằm vào những công ty Nga và Trung Quốc có quan hệ kinh doanh với Triều Tiên.

Hồi tháng Sáu, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định chặn một ngân hàng Trung Quốc với cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên truy cập vào hệ thống tài chính Mỹ.

Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Anthony Rugggiero cho biết các biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn có thể sẽ được áp dụng chống lại các ngân hàng Trung Quốc, bao gồm những khoản tiền phạt khổng lồ.

Dù vậy, theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ không bao giờ đẩy Triều Tiên đến bờ vực nhằm đổi lấy việc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn duy trì sự tồn vong của Bình Nhưỡng như một vùng đệm chiến lược chống lại sự ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Á, đồng thời nhằm tránh sự hỗn loạn ở nước láng giềng sát vách.

Một số chuyên gia cảnh báo: bằng việc tăng áp lực lên Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ kích động làn sóng tẩy chay các doanh nghiệp Mỹ trong cộng đồng người Trung Quốc.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG