Xây dựng trái phép ở TPHCM như “bom nổ chậm”

TP - Đó là thừa nhận của Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn tại cuộc họp sơ kết của UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm diễn ra ngày 25/9.

Gia tăng nhà ở, chung cư sai phép

Hai địa phương có tỷ lệ xây dựng không phép, sai phép tăng cao so với năm ngoái là quận 9 và huyện Củ Chi. Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có 63 trường hợp xây dựng không phép, tăng 51 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Sai phạm tập trung ở các phường có diện tích rộng như Long Phước, Long Trường, Trường Thạnh.

Ông Tuấn Anh nói một số trường hợp xây dựng không phép xảy ra trên đất thuộc quy hoạch khu trung tâm hành chính quận. Quy hoạch này kéo dài gần 20 năm, đến lúc người dân sửa chữa nhà không được buộc phải xây mới, dẫn đến xây dựng không phép. Một nguyên nhân nữa là một số nhân viên đội trật tự đô thị quận xin nghỉ vì lương quá thấp.

“Sự gia tăng đột biến của người lao động ngoại tỉnh đã kéo theo nhu cầu nhà ở. Cơn sốt đất vừa qua có một phần nguyên nhân từ việc người dân nhập cư mua giấy tay, xây nhà trên đất liền rạch, đất quy hoạch cây xanh, hành lang an toàn rạch, dẫn đến xây dựng không phép tăng đột biến, chiếm hơn 50%”, ông Tuấn cho biết.

Xây dựng trái phép ở TPHCM như “bom nổ chậm” ảnh 1 Chủ đầu tư chung cư Phúc Yên 2 (phường 15, quận Tân Bình) định cho “mọc” thêm tầng. Ảnh: H.T. 

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, tình trạng xây dựng không phép tăng ở 5 xã thuộc quy hoạch khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, với 144 trường hợp. “Vì quy hoạch hiện nay là cây xanh, không thể cấp phép xây dựng trong khi nhu cầu xây nhà của dân là thật, không cho họ cũng lén làm”, ông Dũng nói.

Không chỉ nhà ở riêng lẻ mà chủ đầu tư nhiều dự án chung cư cũng đua nhau xây sai giấy phép xây dựng. Mới đây, cư dân sinh sống trong chung cư Phúc Yên 2 (phường 15, quận Tân Bình) bức xúc khi chủ đầu tư cho thi công thêm tầng dù người dân đã nhận nhà vào ở hai năm nay. Từ 17 tầng, chủ đầu tư định cho “mọc” thêm tầng 18.

Nhiều dự án khác cũng điều chỉnh công năng, tăng tầng, thêm căn hộ..., đơn cử như chung cư Tân Bình Apartment (quận Tân Bình).

 Bất lực?

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, tình hình vi phạm trong hoạt động xây dựng còn khá nhiều. Đáng chú ý là vi phạm đối với diện nhà ở riêng lẻ trong dân chỉ chiếm 2-3%, trong khi nhà cao tầng có tỷ lệ vi phạm đến 10%.

“TPHCM hiện có 145 công trình nhà cao tầng đang thi công, trong đó qua kiểm tra, có 15 công trình vi phạm. Có công trình vi phạm rất nghiêm trọng. Cái này giống như quả bom nổ chậm, không biết sẽ “nổ” ra lúc nào, trong khi lực lượng tại chỗ tại các quận huyện còn quá mỏng”, ông Tuấn cho hay.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép vừa qua diễn biến ngày càng phức tạp, ông Tuấn cho biết, theo Luật Thanh tra, lực lượng thanh tra chỉ có ở hai cấp là Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, lực lượng thanh tra xây dựng hiện nay trực thuộc Sở Xây dựng, còn ở cấp quận huyện thì không có bộ máy này nên khó khăn trong công tác quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở.

Ông Trần Trọng Tuấn đề xuất chuyển lực lượng thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng về các quận huyện, trở thành cán bộ trật tự đô thị nhưng vẫn đảm bảo chức năng nhiệm vụ về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

“Tới đây, Sở Xây dựng sẽ có văn bản trình bày với Sở Nội vụ và Sở Tư pháp về việc này. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các sở, sẽ có hướng trình với lãnh đạo thành phố”, ông Tuấn nói.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết thêm, TPHCM hiện có 8-10% chung cư có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và ban quản trị; giữa chủ đầu tư và cư dân. Nguyên nhân tranh chấp chủ yếu vẫn liên quan đến lợi ích phát sinh từ kinh phí quản lý chung cư. Khu vực có nhiều chung cư tranh chấp là quận Tân Phú, Tân Bình.

“Có những chung cư chi phí quản lý chỉ 5-7 tỷ đồng. Nhưng cũng có những chung cư phí quản lý cực lớn, lên tới ba bốn chục tỷ, thậm chí 70 tỷ đồng. Có những chung cư đang xây dựng chưa đưa vào sử dụng, thậm chí có công trình chưa khởi công đã phát sinh tranh chấp”,ông Tuấn cho hay.

Theo UBND TPHCM, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra 51.557 lượt công trình xây dựng, phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, xây dựng không phép chiếm 830/1.595 trường hợp , công trình sai phép là 557/1.595 trường hợp.
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.