Không dễ để buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân

Không dễ để buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân
TPO - Chuyên gia đàm phán hạt nhân Mỹ - ông Robert Gallucci cho biết Triều Tiên sẽ chỉ quan tâm đến các cuộc đàm phán một khi nước này đảm bảo được uy lực của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tạo thế đối trọng với Mỹ.

Nhận định trên cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân Mỹ - ông Robert Gallucci đưa ra trong một bài giảng tại Đại học Yonsei (Seoul, Hàn Quốc) hôm 16/10.

“Có lẽ đúng là Triều Tiên không quan tâm đến các cuộc đàm phán vào thời điểm hiện tại, bởi việc này còn liên quan đến vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo”, chuyên gia Gallucci nói. “Một số người Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng sẽ chỉ đàm phán với Washington một khi họ đảm bảo được uy lực của ICBM, tạo ra thế đối trọng giữa hai nước.”

Gallucci cho rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa một cách dễ dàng trong bối cảnh nước này đã sở hữu nhiều công nghệ cần thiết để phát triển quân sự. Tuy nhiên, Gallucci vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc đàm phán giữa các bên liên quan.

Không dễ để buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân ảnh 1

Ông Robert Gallucci. Ảnh: Yonhap

Theo Gallucci, việc Mỹ yêu cầu Triều Tiên “bày tỏ sự chân thành” trước khi bắt đầu đàm phán có thể được coi là một “trở ngại”. Chuyên gia này kêu gọi các bên liên quan nên bắt đầu đàm phán mà không đặt ra cho nhau bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

“Quan điểm của tôi là các bên không nên đặt ra các điều kiện để kéo nhau vào bàn đàm phán. Quá trình đàm phán nên được kết thúc bằng việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Gallucci nói.

Chuyên gia Robert Gallucci từng là người nắm đầu mối đàm phán trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên hồi đầu những năm 1990. Ông từng đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn đàm phán Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên năm 1994. Khi ấy, Triều Tiên buộc phải đóng băng và từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ năng lượng và một số ưu đãi khác.

Thỏa thuận tan vỡ vào cuối năm 2002 khi Bình Nhưỡng bị phát hiện bí mật điều hành một chương trình làm giàu Uranium. Từ đó đến nay, Triều Tiên không ngừng phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Theo Theo Yonhap
MỚI - NÓNG