Đà Nẵng sẵn sàng đón APEC: Thành phố đáng sống và an bình

Những block chung cư cho đối tượng chính sách thuê với giá ưu đãi và bán cho cán bộ công chức thu nhập thấp.
Những block chung cư cho đối tượng chính sách thuê với giá ưu đãi và bán cho cán bộ công chức thu nhập thấp.
TP - Từ những chương trình thiết thực, ý nghĩa, Đà Nẵng đã tạo cho mình thương hiệu, hướng đến thành phố an bình, nơi người dân được đảm bảo an toàn từ ăn uống, đi lại, an sinh xã hội, du khách đặt chân đến cảm thấy yên bình.

Từ nhiều năm qua, chương trình “Thành phố 5 không” (không có hộ đặc biệt nghèo, không có học sinh bỏ học, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có giết người để cướp của), “Thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị) đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần định danh cho mục tiêu xây dựng Thành phố đáng sống của Đà Nẵng. Chương trình đó, mang đậm dấu ấn của cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh.

Ở khía cạnh của “Thành phố 3 có”, hiếm ở đâu, chương trình “có nhà ở” được thành phố triển khai thực hiện và mang lại nhiều lợi ích thiết thực như Đà Nẵng. Thành phố đã đưa vào sử dụng hàng trăm khối nhà chung cư với gần 9.000 căn hộ…Với mức giá cho thuê không quá 1 triệu đồng/tháng, trong đó hộ nghèo được giảm 60%, hộ gia đình thương binh, gia đình chính sách được giảm từ 75% trở lên... đã giúp hàng ngàn hộ gia đình, hàng ngàn hoàn cảnh khốn khó giải quyết được câu chuyện nhà ở, ổn định cuộc sống.  Khu chung cư Nam Cầu Cẩm Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) có 486 hộ, trong đó đa số là hộ nghèo đã được thành phố bố trí về đây nhiều năm nay. Chị Lê Thị Vân, một hộ gia đình tại đây, chia sẻ: “Nhờ có chính sách cho thuê nhà với giá ưu đãi, gia đình mới có chỗ ở ổn định. Vợ chồng làm ăn tích góp, con cái được ăn học đàng hoàng”.

Phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) còn được gọi tên là “phố chung cư”. Bên cạnh những khu chung cư được bố trí, cấp, cho thuê cho các đối tượng chính sách, 2 dãy chung cư 12 tầng (12T1 và 12T2) nằm trong chương trình thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước cho cán bộ, công chức và người dân có thu nhập thấp đã được triển khai sau khi được sự đồng ý của của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình thực sự mang lại niềm vui có nhà ở cho nhiều hộ gia đình đang thực sự có nhu cầu về nhà ở tại đây, nhất là đối với những cán bộ công chức trẻ, mong muốn ổn định gắn bó với Đà Nẵng.

 Hướng đến thành phố an bình

Trong 3 năm (2011-2013), với chủ đề “Năm an sinh xã hội”, thành phố đã tập trung chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo” cơ bản hoàn thành, Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 về đích trước 3 năm, giai đoạn 2013-2017 về đích trước 2 năm (năm 2015). Đến cuối 2015, Đà Nẵng không còn hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố. Đến nay, toàn thành phố “không có học sinh bỏ học” do hoàn cảnh khó khăn. Thành phố kiên trì thực hiện mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”, chú trọng công tác quản lý cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện, có nhiều nỗ lực trong kiểm soát mục tiêu “không có giết người để cướp của”… Những kết quả đã làm nên một “thương hiệu” Đà Nẵng. Đó cũng là kết quả của sức mạnh thống nhất, đoàn kết và đồng thuận của người dân đến đảng bộ và chính quyền của thành phố.

Nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại; tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình an sinh xã hội, tháng 4/2016, sau Hội nghị Thành ủy mở rộng lần thứ 4, Đà Nẵng triển khai thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” (An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn vệ sinh thực phẩm và An sinh xã hội). Trong đó, đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu kiểm soát, giảm tội phạm, tiến tới đẩy lùi các loại tội phạm, nhất là tội phạm về cướp giật, trộm cắp tài sản, tội phạm cố ý gây thương tích, tội phạm về ma tuý; không để hình thành các băng nhóm tội phạm theo kiểu “xã hội đen”, không để tội phạm lộng hành; phấn đấu điều tra làm rõ từ 75-80% các vụ án hình sự, 95-100% các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...

Nhiều công trình giao thông đón APEC 2017

Ngày 1/11 hầm chui nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương đã thông xe trước thềm Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đúng 5 ngày. Điểm tắc nghẽn giao thông và là công trình phục vụ APEC cuối cùng đã được tháo dỡ, trong niềm vui, hân hoan của bao người. Nút giao thông này nối với ngã ba Huế, trục đường Lê Duẩn, chạy qua cầu Sông Hàn đã trở thành một trong những trục đường chính phục vụ APEC. Góp phần đảm bảo công tác tổ chức, phân luồng giao thông phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, góp phần quảng bá hình ảnh văn minh, hiện đại của thành phố đến với bạn bè quốc tế. Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình kịp thời cũng thể hiện quyết tâm thực hiện chương trình “4 an”, một cách quyết liệt của thành phố. Trước đó dịp 30/4 hầm chui sông phía tây cầu sông Hàn khánh thành, đưa vào sử dụng. Thành phố cũng đang lên kế hoạch cải tạo, làm hầm chui nút giao thông phía Tây cầu Rồng và nút phía tây cầu Trần Thị Lý…

                          
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...