Lối thoát nào cho khủng hoảng Catalonia?

Lối thoát nào cho khủng hoảng Catalonia?
TPO - Rút bài học kinh nghiệm từ mô hình xứ Basque bằng cách trao thêm nhiều quyền tự trị về tài chính hơn cho Catalonia sẽ là lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong vòng 4 thập kỷ qua, kể từ khi đất nước Tây Ban Nha chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 1975.
Lối thoát nào cho khủng hoảng Catalonia? ảnh 1 Ảnh: The National

Bài học kinh nghiệm từ xứ Basque

Ngày 21/6/2015, hàng nghìn người đã lập thành những hàng rào người tại các thành phố trên khắp xứ Basque của Tây Ban Nha để đòi quyền được tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập cho khu vực này.

Cuộc biểu tình trên do phong trào ủng hộ độc lập "Gure Esku Dago" tổ chức và nhận được sự ủng hộ của các đảng ly khai cũng như hàng chục người nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao và nghệ thuật. 

Những người biểu tình đã tuần hành qua thủ phủ Victoria, trung tâm thương mại Bilbao và khu nghỉ dưỡng ven biển San Sebastian cũng như thành phố Pamplona ở vùng Navarra bên cạnh - nơi có nhiều người nói tiếng Basque.

Trước đó, hồi tháng 6/2014, phong trào "Gure Esku Dago" cũng từng phát động lập một hàng rào người dài 123 km ở xứ Basque. 

Tuy nhiên, phong trào nhằm đòi độc lập của khu vực này đã dần lắng xuống khi xứ Basque được Madrid trao thêm nhiều quyền tự trị về tài chính để kiềm chế những người dân đang sục sôi tư tưởng ly khai.

Xứ Basque hiện có sản lượng kinh tế trên đầu người cao nhất cả nước, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại ở mức thấp nhất. Quyền tự trị về tài chính mà Basque có được xem là lớn nhất so với mọi nơi ở châu Âu, bắt đầu từ thế kỷ 19 và được quy định trong Hiến pháp 1978 của Tây Ban Nha.

Theo hiệp định giữa Basque và Madrid, khu vực này được quản lý gần như toàn bộ số thuế mà người dân đóng. Xứ Basque đóng cho Madrid số tiền 800 triệu euro mỗi năm để bù đắp cho các chi phí quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng hay cơ sở hạ tầng.

Từ khi lên nắm quyền với cương vị đứng đầu chính phủ thiểu số vào năm ngoái, Thủ tướng Rajoy đã củng cố hơn nữa thỏa thuận này để đổi lấy việc có được sự ủng hộ của đảng Dân tộc Basque đối với kế hoạch ngân sách 2017.

Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều khu vực khác không hài lòng và họ cũng sẽ là những khu vực phản đối mạnh mẽ nhất mọi thỏa thuận tương tự đối với Catalonia, bởi điều đó đồng nghĩa với việc lợi ích từ thu nhập quốc gia của họ sẽ sụt giảm. 

Basque là nhóm dân tộc sinh sống chủ yếu ở khu vực thường được gọi là xứ Basque nằm giữa các phần của Trung - Bắc của Tây Ban Nha. Hiện tại, Basque chính là vùng đất giàu thứ 5 ở Tây Ban Nha với GDP ở mức 66,1 triệu euro, tương đương với 7% GDP của toàn Tây Ban Nha. Thâm hụt ngân sách chỉ bằng 0,25% GDP trong khi tỷ lệ của ngân sách quốc gia lên tới 90%. Đây cũng là vùng có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất cả nước, chỉ ở mức 13,35% trong khi trên toàn quốc là 24,4%. 

Lối thoát nào cho Catalonia?

Trong bối cảnh nguy cơ đối đầu ngày càng gia tăng, giới lập pháp của cả hai phía Catalonia và Madrid đang tính đến một lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay là bài học kinh nghiệm từ xứ Basque. 

Theo kế hoạch, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont sẽ có bài phát biểu trước các nhà lập pháp tại Barcelona vào tối 10/10.

Đây là sự kiện mà những người ủng hộ ly khai hy vọng sẽ là thời điểm Catalonia  đơn phương tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương Tây Ban Nha.

Trong khi đó, giới lãnh đạo chính trị Madrid lại đang ra sức hối thúc các lực lượng đòi ly khai ở Catalonia kiềm chế và tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ qua.

Áp lực cũng gia tăng trên các đường phố. Ngày 8/10, hàng trăm nghìn người biểu tình, tự gọi mình là “đa số thầm lặng” đã tiến về khu vực trung tâm Barcelona để phản đối kế hoạch đòi độc lập. Trong khi đó, hiệp hội ANC ủng hộ độc lập, lại kêu gọi người biểu tình tập trung tại khu vực trước cửa tòa nhà cơ quan lập pháp Barcelona để theo dõi phiên họp tối 10/10. 

Trước đó, cựu Thủ hiến Catalonia Artur Mas đã tìm cách đàm phán với Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy vào năm 2012 về việc trao thêm quyền cho vùng đất thịnh vượng này trong việc thu và chi tiêu thuế, song triển vọng các cuộc đàm phán trong bối cảnh hiện nay được xem là rất khó khả thi. 

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu chính quyền trung ương Tây ban Nha trao cho vùng Catalonia nhiều quyền lợi về tài chính và kinh tế hơn, thì cuộc khủng hoảng này sẽ có nhiều lối thoát hơn.

Đặc biệt, nhiều nhà lập pháp ôn hòa trong liên minh cầm quyền Catalonia đã kín đáo cho biết họ sẵn sàng từ bỏ yêu cầu đòi độc lập nếu khu vực này cũng nhận được quyền tự trị trong lĩnh vực thuế như xứ Basque.

Trong khi đó, tại Madrid, một số thành viên phe xã hội cho rằng những gì có được từ sự kiện Basque có thể trở thành hình mẫu để thúc đẩy một thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất mà Tây Ban Nha phải đối mặt từ sau cuộc đảo chính bất thành năm 1981, dù cái giá mà chính phủ trung ương phải bỏ ra không hề nhỏ. 

Giáo sư ngành xã hội học Xabier Barandiaran, hiện làm việc tại Đại học Deusto, cho biết: “Các cuộc tranh luận về độc lập ở xứ Basque đã được gác lại bởi họ đã quá mệt mỏi sau nhiều năm chìm trong bạo lực và bất ổn sau cuộc khủng hoảng kinh tế”. 

Trong khi đó, ông Aitor Esteban, lãnh đạo đảng Dân tộc Basque trong Quốc hội Tây Ban Nha trao đổi với phóng viên hãng tin Reuters tại trụ sở của đảng này ở Bilbao: “Chúng tôi không có những nỗi bất bình về kinh tế. Người dân không cảm thấy họ cần phải hành động vì bất mãn trong vấn đề tiền bạc, chính điều đó làm nên khác biệt lớn”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.