Ngại tên lửa Triều Tiên, Mỹ tính lắp thêm hệ thống phòng thủ

Một hệ thống THAAD bắn thử trong cuộc thử nghiệm năm 2013. Ảnh: Getty Images.
Một hệ thống THAAD bắn thử trong cuộc thử nghiệm năm 2013. Ảnh: Getty Images.
TP - Cơ quan của Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ đất nước khỏi các vụ tấn công tên lửa đang khảo sát Bờ Tây để tìm vị trí đặt thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa mới, trong bối cảnh các vụ thử tên lửa của Triều Tiên làm gia tăng quan ngại rằng Mỹ sẽ bảo vệ mình bằng cách nào trong trường hợp bị tấn công.

Hệ thống bảo vệ Bờ Tây có thể bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) giống loại đã được đưa đến Hàn Quốc để đề phòng Triều Tiên, Reuters dẫn lời hai nghị sĩ Mỹ cho biết hôm 2/12.

Việc Triều Tiên tăng tốc chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo và khả năng quân đội Triều Tiên tấn công đất liền Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân trong 5 năm tới làm tăng áp lực lên chính phủ Mỹ phải tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa. Hôm 29/11, Triều Tiên thử loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có thể bay hơn 13.000km, đặt thủ đô Washington của Mỹ trong tầm tấn công.

Nghị sĩ Mike Rogers, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện và là Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng chiến lược (chịu trách nhiệm giám sát hệ thống phòng thủ tên lửa), vừa cho biết, Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) đang chuẩn bị lắp đặt thêm hệ thống phòng thủ ở các địa điểm thuộc Bờ Tây. Nguồn ngân sách dành cho chương trình này không thấy nêu trong kế hoạch ngân sách năm 2018 cho thấy nó có thể được thực hiện sau đó.

“Đó chỉ là vấn đề địa điểm, MDA đang đề xuất địa điểm đáp ứng được tiêu chí và tránh gây tác động môi trường”, ông Mike Rogers nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn bên lề Diễn đàn Quốc phòng Reagan thường niên tại California. Nghị sĩ Rogers không tiết lộ các địa điểm đang được cân nhắc mà chỉ cho biết có nhiều vị trí đang được xem xét.

Ông Rogers và nghị sĩ Adam Smith cho biết, chính phủ Mỹ đang cân nhắc lắp đặt hệ thống THAAD của tập đoàn Lockheed Martin ở các địa điểm thuộc Bờ Tây. THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên mặt đất, được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung và xa. Hệ thống này chỉ mất vài tuần để lắp đặt. Ngoài các hệ thống THAAD đặt tại Hàn Quốc và đảo Guam, Mỹ đã có 7 hệ thống như vậy. Một vài hệ thống đang được đặt tại căn cứ Fort Bliss ở Texas nhưng chúng có tính cơ động cao và các vị trí hiện tại không được tiết lộ.

Tháng 7 năm nay, Mỹ thử nghiệm hệ thống THAAD và bắn hạ được một tên lửa đạn đạo tầm xa mô phỏng. Vụ thử nghiệm thành công này làm tăng độ tin cậy cho chương trình phòng thủ tên lửa của quân đội Mỹ sau khi có một số nghi ngại vì sự trì hoãn và thử nghiệm thất bại. Hiện nay, khu vực đất liền của Mỹ chủ yếu được bảo vệ bởi hệ thống phòng thủ tầm giữa đặt trên mặt đất (GMD) tại Alaska và California cùng hệ thống phòng thủ Aegis trên các tàu của Hải quân Mỹ. THAAD có tỷ lệ thành công cao hơn GMD.

MDA báo cáo Quốc hội Mỹ hồi tháng 6 năm nay rằng, họ có kế hoạch bổ sung 52 hệ thống THAAD cho quân đội Mỹ trong thời gian từ tháng 10/2017 tới tháng 9/2018, nâng tổng số lên 210 kể từ năm 2011.

Nguy cơ chiến tranh tăng từng ngày

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông HR McMaster, hôm 2/12 nói rằng, Triều Tiên là “mối đe doạ trước mắt lớn nhất của Mỹ” và nguy cơ nổ ra chiến tranh với Bình Nhưỡng đang tăng lên mỗi ngày. “Tôi nghĩ nguy cơ đó tăng lên mỗi ngày, nghĩa là chúng ta đang ở trong một cuộc chạy đua để giải quyết vấn đề này”, CNN dẫn lời ông McMaster nói tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan khi được hỏi liệu việc Triều Tiên vừa phòng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có làm tăng khả năng chiến tranh.

Ông McMaster nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cam kết theo đuổi phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, và có một số biện pháp phi quân sự để giải quyết vấn đề này, như kêu gọi Trung Quốc trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng. Cố vấn an ninh Mỹ cho rằng, Trung Quốc nên hành động đơn phương để cắt nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên vì “bạn không thể phóng tên lửa nếu không có nhiên liệu”. Nhưng ông McMaster cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khó có thể thay đổi hành vi “nếu không có những hành động mới đáng kể hơn dưới dạng trừng phạt nghiêm khắc” và việc “thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt đó”.

Về lựa chọn quân sự, ông McMaster thừa nhận rằng, trong khi các tên lửa và pháo thông thường của Triều Tiên đang chĩa sang Seoul, Hàn Quốc, “không có hành động quân sự nào không gây rủi ro”. Ông McMaster cũng nói rằng, những hành động của Bình Nhưỡng khiến quan hệ đồng minh của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc “mạnh hơn bao giờ hết”.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.