Bổ sung mối đe dọa Triều Tiên vào Chiến lược an ninh, Mỹ sẵn sàng chiến tranh?

Ảnh: US Navy
Ảnh: US Navy
TPO - Nhà Trắng đã hoàn thành soạn thảo Chiến lược an ninh quốc gia mới trùng với thời điểm bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất trong lịch sử giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Theo tờ Wall Street Journal, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ sẽ tính đến mối đe dọa liên quan tới vũ khí hạt nhân Triều Tiên, đồng thời trù định những “cách tiếp cận cứng rắn trong giải quyết phần lớn các vấn đề an ninh toàn cầu”.

Nhưng liệu quan điểm này có bóng gió về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai?

Căn cứ tuyên bố của một trong những tác giả của học thuyết, cố vấn của Tổng thống về vấn đề an ninh quốc gia, ông Herbert McMaster, điều này vừa có, vừa không. Nhìn chung, cách giải thích của Herbert McMaster liên quan tới Triều Tiên mang nhiều dấu hỏi, bởi chúng tiếp tục khẳng định mức độ nghiêm trọng của các thách thức trong chính sách của Triều Tiên đối với chính quyền Mỹ.

“Chúng tôi đã hết thời gian, nếu chúng tôi muốn tránh khỏi phương án sử dụng vũ lực có thể dẫn đến chiến tranh – hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Herbert McMaster – Thì chúng tôi hiện phải làm tất cả những gì có thể, ngoài phương án sử dụng vũ lực đó”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tin tưởng Nhà Trắng rất thận trọng trong các kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên. Ông cho rằng, người Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên bởi họ có sự nghi ngờ, họ biết chính xác rằng Triều Tiên có bom hạt nhân”, và theo lời Ngoại trưởng Lavrov, thực tế hầu như tất cả đều đồng ý với phân tích này.

Còn về những gì Nga quan ngại, thì đó chính là việc không thể đoán định qua lời nói cũng như tính “đa chiều” trong các quyết định của Washington khi không mong muốn thấu hiểu và chú ý tới những kết luận bất lợi cho Mỹ từ giới chuyên gia.

Trong tình huống các sự kiện phát triển theo cách đó, dự báo của Ngoại trưởng Nga mang tính chất bi quan về ngày tận thế: “Chúng ta có thể rơi vào cao điểm khó định đoán, khi đó hàng nghìn trẻ em sẽ phải chịu hậu quả, cũng như hàng trăm người vô tội khác tại Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Trong đó cũng có cả Nga và Trung Quốc”.

Tất cả những hành động của Nhà Trắng trong quan hệ với Bình Nhưỡng là nhằm để khiêu khích lãnh đạo Triều Tiên phải phản ứng hung hăng, và theo đó có thể đổ tội cho Bình Nhưỡng là kẻ châm ngòi xung đột.

Hơn nữa, trong quá trình khiêu khích, người Mỹ tích cực lôi kéo các nước láng giềng sát Triều Tiên là Hàn Quốc và Nhật Bản. Một mặt, chính quyền và nhân dân các nước này sẽ không thiếu cơ sở để lo sợ rằng, khi phát sinh xung đột họ sẽ là nạn nhân đầu tiên, và theo đó thì Mỹ sẽ bán được vũ khí cho Seoul và Tokyo. Mặt khác, những nước này sẽ bị lôi kéo vào các cuộc tập trận chung mà khiến họ không tránh khỏi việc trở thành những mục tiêu của các đòn tấn công từ Triều Tiên.

“Mỹ đang nỗ lực tiến hành các hành động khiêu khích đã được chuẩn bị trước nhằm tạo áp lực mạnh hơn lên Triều Tiên”.

Trong thời gian chuyến thăm tới Italia, khi trả lời câu hỏi về cuộc khủng hoảng Triều Tiên, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng biết: Từ tháng 9 vừa qua, phía Mỹ đã tự tin ngụ ý về các kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận tiếp theo với Hàn Quốc chỉ trong mùa xuân tới, nhằm khiến Bình Nhưỡng có thể chùn tay và không tiến hành những hoạt động gây căng thẳng.

Tính toán của Mỹ là, việc giảm leo thang căng thẳng tạm thời sẽ cho phép các bên bắt đầu đối thoại. Điều này gián tiếp nói về việc thực hiện các sáng kiến Trung – Nga mà hai nước này đã tích cực đạt được trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Sáng kiến này từ chối việc Washington tập trận trong khu vực, đồng thời ngăn chặn hoạt động tên lửa của Triều Tiên.

Nhưng thực tế lại khác – Nhà Trắng đã thông báo về những cuộc tập trận chung quy mô lớn với Hàn Quốc vào tháng 12 này. “Có một cảm tưởng rằng, tất cả đã được làm một cách chuyên nghiệp để lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mất kiềm chế và tiến hành những hành động phiêu lưu tiếp theo”, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết.

Hơn nữa, hiện Washington đang nỗ lực phát động việc khiêu khích đã được chuẩn bị, nhằm gây áp lực lớn hơn đối với Triều Tiên và ép Triều Tiên phải thể hiện sự hung hăng của mình để chống lại những kẻ xúc phạm.

Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Hwaseong-15, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do dại diện thường trực của Mỹ là bà Nikki Haley triệu tập, bà đã yêu cầu Trung Quốc ngừng hoàn toàn việc bán dầu cho Bình Nhưỡng, đồng thời đề nghị tất cả các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Triều Tiên. Cả Nga và Trung Quốc đều trả lời “Không” với các đề xuất này.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đang xem xét tới việc thay đổi lập trường của Trung Quốc. Tờ Corriere della Sera của Italia đã công bố một tài liệu cho thấy: Trung Quốc sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong khu vực.

Tờ báo này cũng dẫn lời của nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, ông Yu Li về các cuộc tập trận chống tên lửa của Trung Quốc trước đó ở khu vực phía Tây của biển Hoàng Hải.

“Theo một câu thành ngữ của Trung Quốc thì ‘trước khi mưa, cần phải chuẩn bị’, thì rõ ràng hiện chúng tôi phải chuẩn bị cho tất cả các tình huống”. Tuy nhiên, chuyên gia Shi Yinhong thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc tin rằng, Trung Quốc sẽ không mở rộng cấm vận Bình Nhưỡng: “Thứ nhất, chúng tôi sẽ không còn các phương tiện thuyết phục hòa bình khác, thứ hai là Triều Tiên sẽ trở thành kẻ thù mãi mãi”.

Theo Theo RG
MỚI - NÓNG