V-League chưa có nhà tài trợ mới

Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của HĐQT mới công ty VPF là kiếm tiền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: VSI.
Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của HĐQT mới công ty VPF là kiếm tiền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: VSI.
TP - Sau khi Toyota chính thức rút lui, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang phải gấp rút xúc tiến đàm phán tìm nhà tài trợ cho V-League và các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất trước mùa giải 2018 và cũng là một thử thách đối với Ban lãnh đạo mới của VPF nhiệm kỳ III, đứng đầu là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Trần Anh Tú.

Ông Trần Anh Tú trúng cử vị trí Chủ tịch HĐQT VPF tại Đại hội hôm 3/12 tại Hà Nội và hiện đang kiêm nhiệm cả chức danh TGĐ. Sau Đại hội, ông Tú và Ban lãnh đạo mới của VPF xác định, công tác quan trọng nhất trước mắt là tìm nguồn tài trợ cho V-League. Ba mùa giải trước đó, V-League được Công ty Toyota tài trợ 120 tỷ đồng (40 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên theo tìm hiểu, cách đây nhiều tháng phía Toyota đã thông báo về việc sẽ ngừng hợp đồng trên. Nhiệm kỳ cũ đã tiến hành đàm phán với Toyota nhưng không thành công và sau đó, công việc được trao lại cho nhiệm kỳ mới. Ông Trần Anh Tú hôm qua xác nhận, Toyota sẽ chính thức dừng tài trợ cho V-League.

Được biết trong thời gian vừa qua, Ban lãnh đạo mới của VPF đã gấp rút đàm phán với các đối tác, với mục tiêu số tiền tài trợ cho mùa giải trước mắt phải cao hơn so với năm 2017. Tuy nhiên, việc đàm phán vẫn chưa kết thúc do chưa dứt điểm được các điều khoản. “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay bởi để hoạt động tổ chức giải trơn tru cần phải có tiền. Thiếu tiền thì làm việc gì cũng khó. Tuy nhiên cũng phải thực lòng là với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc huy động được các nhà tài trợ là không dễ dàng. Công ty vừa qua đã phải hoạt động “hết công suất” nhưng mọi việc chưa thể chốt ngay được vào lúc này”-một quan chức VPF cho biết.

Quản lý chi tiêu, siết chặt kỷ luật

Trong 8 thành viên HĐQT VPF khoá III, ông Trần Anh Tú là doanh nhân “xịn” so với số còn lại đều là lãnh đạo các đội bóng hoặc đại diện của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Chính vì vậy, đã có khá nhiều ý kiến bàn luận về hoạt động của VPF trong các năm phía trước. Bên cạnh việc cải thiện công tác tổ chức giải, nâng cao chất lượng chuyên môn trận đấu thì một mục tiêu hướng tới là VPF cần quản trị tài chính tốt hơn, đảm bảo mọi khoản thu, chi đều minh bạch và hiệu quả.

Chủ tịch CLB Sài Gòn Nguyễn Giang Đông đánh giá cao Chủ tịch Trần Anh Tú ở góc độ này. “Theo tôi, anh Tú là doanh nhân xuất thân, việc điều hành công ty chắc chắn phải tuân theo hiệu quả thực tế, nếu cái gì chưa ổn sẽ phải xem xét điều chỉnh lại. Dĩ nhiên để làm tốt công việc, anh Tú phải nhờ cậy tới sự hỗ trợ của những người xung quanh. HĐQT VPF gồm nhiều người có kinh nghiệm làm bóng đá lâu năm nên nếu biết cách “tận dụng” người ta, anh Tú có thể làm tốt công việc”-ông Nguyễn Giang Đông nói.

Trong kế hoạch đẩy mạnh chất lượng giải đấu, VPF đã có kế hoạch thành lập tiểu ban kỷ luật trực thuộc BTC giải để xử lý các vụ việc xảy ra ở V-League. Hiện, hoạt động này do Ban kỷ luật VFF phụ trách, đứng đầu là Trưởng ban Nguyễn Hải Hường. Công tác xử lý kỷ luật của Ban kỷ luật VFF mặc dù vậy mùa giải nào cũng để xảy ra điều tiếng và gây tranh cãi. Vì việc này, ông bầu Đoàn Nguyên Đức, đương chức Phó chủ tịch VFF thậm chí có lúc đã đòi “cho ông Hường nghỉ” để đảm bảo kỷ luật giải đấu tốt hơn. Tuy nhiên, một quan chức VFF hôm qua cho biết, chưa thấy VPF đề xuất cụ thể. Theo vị này, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của BCH VFF, cá nhân lãnh đạo VFF không thể tự ý ra quyết định.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.