Tên lửa Triều Tiên càng làm khó quan hệ Mỹ - Trung

Ngày 29/11, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ 3 và cũng là tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay. Ảnh: CNN.
Ngày 29/11, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ 3 và cũng là tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay. Ảnh: CNN.
TP - Sau khi thăm Trung Quốc tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự hào nói rằng, ông đã nhận được lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng sẽ “dùng ảnh hưởng kinh tế rất lớn” của nước này để ép Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân. Lời hứa đó nếu đúng như vậy sẽ sớm bị thử thách.

Hôm qua, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ 3 và cũng là tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia tính toán rằng, thủ đô Mỹ giờ đây về mặt kỹ thuật có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Bình Nhưỡng nói rằng, tên lửa Hwasong-15 có thể được trang bị “đầu đạn hạt nhân siêu lớn” và có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ. Chính phủ Triều Tiên tuyên bố, nhà lãnh đạo Kim Jong-un “tuyên bố với niềm tự hào” rằng nước này đã đạt được mục tiêu trở thành một “cường quốc tên lửa”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng bằng cách bày tỏ “quan ngại sâu sắc và phản đối” vụ phóng của Triều Tiên. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó là: Trung Quốc đã chuẩn bị đến đâu để gây áp lực với nước láng giềng cùng chung chế độ, dưới yêu cầu của Mỹ và nhiệm vụ hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân? Theo các chuyên gia, câu trả lời là: Trung Quốc có chuẩn bị ở chừng mực nào đó, nhưng chưa đủ xa để thay đổi tính toán chiến lược của lãnh đạo ở Bình Nhưỡng. “Nếu Trung Quốc trừng phạt nặng tay hơn thì tôi nghĩ cũng chỉ có tính chất biểu tượng”, ông Song Xiaojun, chủ bút một tạp chí quân sự có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, nói. Theo ông Song, Trung Quốc không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Triều Tiên nên vẫn cung cấp dầu và lương thực để người dân ở đó sống sót.

Vụ phóng tên lửa hôm qua của Triều Tiên có thể không gây ngạc nhiên ở Bắc Kinh vì Bình Nhưỡng trước đó đã tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình thử tên lửa của họ, nhưng vẫn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu với nước láng giềng cứng đầu, ông Zhao Tong, một chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Trung tâm Thanh Hoa - Carnegie, đánh giá. “Mức độ tăng cường trừng phạt kinh tế phụ thuộc vào bước đi tiếp theo của Triều Tiên, ví dụ họ sẽ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầy đủ hay có những bước đi cực đoan hơn như phóng tên lửa hạt nhân ra Thái Bình Dương hay lên khí quyển. Nhưng xu hướng gia tăng trừng phạt kinh tế sẽ được tiếp tục”, báo Washington Post dẫn lời ông Zhao.

Mệt mỏi với cách của Mỹ

Có những dấu hiệu họ thấy có thể Trung Quốc đang mệt mỏi với phương pháp “gây áp lực tối đa” của Mỹ với Triều Tiên. Trong một bài xã luận đăng trên ấn phẩm tiếng Trung ra hôm qua, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc viết rằng, vụ phóng tên lửa vừa qua của Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy chính sách trước đây của Mỹ với Triều Tiên đã thất bại, và cách tiếp cận của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng không thành công. Bài báo cho rằng, Mỹ “xem thường Bình Nhưỡng” và vì thế đã phớt lờ những quan ngại an ninh của Triều Tiên mà bỏ lỡ cơ hội đàm phán để chấm dứt chương trình hạt nhân, thay vào đó là gia tăng áp lực, gia tăng căng thẳng và thu hẹp con đường ngoại giao từ khi ông Trump lên cầm quyền.

“Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn, nhưng áp lực mà cộng đồng quốc tế tạo ra với Triều Tiên gần như đã cạn kiệt. Giờ đây, Bình Nhưỡng cực kỳ tự tin trước sự lên án của Hội đồng Bảo an và có thể những biện pháp trừng phạt mới cũng chỉ như vài hạt bụi dính vào người, hoặc như vài hạt mưa”, Thời báo Hoàn cầu bình luận. Nhưng có vẻ sự kiên nhẫn với Bình Nhưỡng đang cạn dần ở Trung Quốc. Ông Lu Chao, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh tại Thẩm Dương, gọi vụ phóng mới của Triều Tiên “là hành động khiêu khích rất nguy hiểm”. “Điều đó chắc chắn sẽ khiến Mỹ phản ứng mà từ đó tình hình trên bán đảo càng thêm bất ổn”, ông Lu nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng, Triều Tiên “đang tự mình hành động”. “Chắc chắn là đối với những vấn đề thử tên lửa và hạt nhân, Trung Quốc đều phản đối nhưng không có nhiều ảnh hưởng lên Triều Tiên”, ông Lu nói.

Các chuyên gia cho rằng, có dấu hiệu lẫn lộn giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vào tháng trước. Triều Tiên đã không phóng một tên lửa nào trong suốt những ngày diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10. Vài ngày sau đó, ông Tập Cận Bình cử đặc phái viên Tống Đào sang Bình Nhưỡng để thông báo kết quả đại hội, cho dù đặc phái viên này không gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Lu cho rằng, cuộc gặp đó không diễn ra có thể là dấu hiệu ông Kim đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa nữa. “Nếu ông Kim gặp ông Tống Đào rồi sau đó phóng tên lửa sẽ khiến Trung Quốc giận dữ hơn nữa”, ông Lu nói.

Sau chuyến thăm của ông Trump đến Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo con đường chính kết nối Trung Quốc với Triều Tiên, cây cầu bắc qua sông Áp Lục, sẽ bị đóng cửa tạm thời trong thời gian Triều Tiên sửa chữa phần đường phía họ. Vài ngày trước đó, hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China thông báo dừng các chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng với lý do thiếu khách.

Theo Theo Washington Post, CNN
MỚI - NÓNG