Tiến tới đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài cuối:

“Chìa khóa” làm chủ vận mệnh

Sinh viên trường đại học quốc gia trong giờ nghiên cứu trên máy tính. Ảnh: Như Ý.
Sinh viên trường đại học quốc gia trong giờ nghiên cứu trên máy tính. Ảnh: Như Ý.
TP - “Để trở thành một người trẻ làm chủ vận mệnh của mình và làm chủ công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0, theo tôi người trẻ cần được trang bị 3 điều quan trọng, gồm: Tư duy tốt về sáng tạo và phản biện, có ngoại ngữ và tự do học thuật”...

Thanh niên 4.0

Nếu như trước đây, giới trẻ luôn đi đầu trong việc chống lại quân thù trong mỗi cuộc xâm lăng của giặc ngoại bang; tre, gậy, thuổng, giáo, mác... là công cụ để những người trẻ giữ làng, giữ nước. Tôi tạm gọi đó là thế hệ thanh niên người Việt phiên bản 1.0. Rồi đến thời hiện đại, khi Việt Nam phải chống chọi với các đế quốc hùng hậu nhất của thế giới, người trẻ đánh đuổi thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ… Những người trẻ xung trận này tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên có thể gọi là phiên bản 2.0.

Khi hòa bình lập lại, cũng những người trẻ đi đầu trong công cuộc khai hoang, khẩn đất, đến các vùng kinh tế mới. Họ đi đầu trong các phong trào làm kinh tế, mới đây thôi, họ là những người hăng hái trong phong trào khởi nghiệp (start-up) sôi nổi từ Bắc chí Nam. Những người trẻ với ý chí chống giặc đói, diệt giặc nghèo, quyết làm giàu, cũng không kém nghĩa khí của những chàng nghĩa binh trong đoàn quân Tây Sơn rượt đuổi quân Thanh, hay đoàn quân Tây Tiến trong thơ Quang Dũng năm nào. Tôi gọi họ là những thanh niên Việt phiên bản 3.0.

Nhưng với sự phát triển không ngừng và đáng kinh ngạc của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, thế giới trở nên nhỏ bé bởi những công cụ truyền thông mới. Những người trẻ trên toàn cầu đang là những nhà sáng tạo công nghệ làm thay đổi thế giới, kết nối tiện lợi hơn. Đơn cử, mạng xã hội đã nối kết con người một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Trong bối cảnh đó, người trẻ Việt cần đứng trước một cuộc vặn mình để tiến lên một phiên bản mới, mà tôi gọi là 4.0. Thanh niên thế hệ 4.0 là những người làm chủ khoa học, công nghệ để làm thay đổi vận mệnh của mình và giúp ích cho cuộc sống của những người xung quanh theo hướng tích cực hơn. Họ canh tác trên mảnh đất công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm công nghệ sáng tạo để bán ra cho thế giới.

Dẫn dắt người trẻ ra sao?

Ở thời đại 4.0, công tác tập hợp thanh niên có lẽ cần có những thay đổi. Không có một cách giải cố định cho nhiều bài toán khác nhau, cũng tương tự không thể áp dụng một phương pháp tập hợp thanh niên ở mọi thời kỳ. Cần phải hiểu bản chất của một số sự thay đổi của đời sống xã hội, từ đó mới tiếp cận đúng đến thanh niên. Dựa trên tinh thần đó, tố chất nào người trẻ cần có và Đoàn thanh niên có thể làm gì là các vấn đề cốt lõi cần tìm lời giải.

Để trở thành một người trẻ làm chủ vận mệnh của mình và làm chủ công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0, có nhiều yếu tố cần phải hội tụ ở người trẻ. Tuy nhiên, theo tôi người trẻ cần được trang bị 3 điều quan trọng, gồm: Tư duy tốt về sáng tạo và phản biện, có ngoại ngữ và tự do học thuật.

Về tư duy sáng tạo và tư duy phản biện của người trẻ. Trong thời buổi mà mỗi sáng tạo công nghệ là một sự đột phá về tri thức mới, thì tư duy sáng tạo là cực kỳ quan trọng. Nhưng để đạt đến sự sáng tạo, người trẻ cần biết phân biệt được đâu là cái đúng, đâu là cái sai; đâu là sự hợp lý, đâu là sự phi lý. Có thế, họ mới  tiệm cận chân lý mới để đi đến việc phát hiện hay sáng tạo ra cái mới. Những ai không có hai loại tư duy này, dễ trở thành những con vẹt mang hình người mà thôi.

Về ngoại ngữ, trong thời buổi giao lưu quốc tế ngày càng mạnh mẽ, ngoại ngữ đóng vai trò then chốt trong việc tiếp cận các tri thức mới và giao thương với thế giới. Nếu những người trẻ không biết ngoại ngữ, sẽ là một hạn chế lớn trong cuộc đua về sáng tạo tri thức và công nghệ đang diễn ra trước mắt.

Về tự do học thuật, điều này cực kỳ quan trọng đối với xây dựng một thế hệ trẻ 4.0, bởi hầu hết các phát minh công nghệ đều dựa trên những kiến thức học thuật và nghiên cứu thực chất, tử tế. Nếu như tuổi trẻ là tinh hoa của đất nước, thì sinh viên là tinh hoa của tuổi trẻ. Để những tinh hoa có điều kiện vươn lên, nên duy trì các “think-tank” (các nhóm trí thức trẻ yêu nước), tạo điều kiện để họ có các suy nghĩ mới, không áp đặt, tìm tòi ra các giải pháp mới cho xã hội. Về kinh nghiệm này, nên học các nhóm “think-tank” trẻ ở các đại học của Trung Quốc, nơi có thể chế chính trị gần với ta. Có lẽ, Đoàn có thể là những nơi tiên phong đỡ đầu cho các ý tưởng mới, các tranh luận khoa học của người trẻ.

Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ mới trao cho người trẻ nhiều kênh thông tin hơn, những phong trào Đoàn nặng về hình thức sẽ khó có thể thu hút được những người trẻ giỏi. Để thu hút những người này, cán bộ Đoàn cũng cần phải là những người giỏi về chuyên môn sâu. Có thế, những thủ lĩnh Đoàn mới có đủ hấp lực để thu hút những người trẻ khác theo. Đoàn phải là nơi tiên phong trong các phong trào học tập thực chất, bởi chỉ có học tập thực chất (các tri thức) mới là điểm mấu chốt kích thích những sáng tạo thực sự. Đoàn sẽ thổi lửa cho những người trẻ đam mê trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó, kết nối để hỗ trợ những người trẻ này. Chỉ có vậy, mới xây dựng được một thế hệ thanh niên thực chất, muốn thay đổi đất nước tốt hơn.

Một thế kỷ trước, Phan Châu Trinh từng kêu gọi sự “thực học, thực nghiệp” của người Việt, nhưng trong thời đại này, lời hiệu triệu đó càng có ý nghĩa hơn lúc nào hết, nếu như muốn xây dựng một thế hệ thanh niên 4.0 đúng nghĩa. Trong không khí thực học đó, phong trào học ngoại ngữ sẽ là một trong những kết quả dễ nhìn thấy nhất. Những người trẻ tự tin trong việc làm chủ ngôn ngữ sẽ mở rộng được mối quan hệ, nâng tầm tri thức, và cạnh tranh trí tuệ với “năm châu, bốn bể”.

“Đoàn thanh niên cần có các khuyến khích về sáng tạo công nghệ để cổ vũ người trẻ có những sáng tạo mới. Lập các quỹ ủng hộ một cách thực chất các sáng tạo của người trẻ. Trong những khía cạnh nhất định, Đoàn có thể là những “bà mối” kết nối chất xám của những người trẻ với các doanh nghiệp”. 

Anh Lê Ngọc Sơn, thành viên nhóm Nghiên cứu Quốc tế về Truyền thông trong Khủng hoảng, ĐH Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.