500.000 tỷ đồng có cứu được BĐS?

500.000 tỷ đồng có cứu được BĐS?
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, 500.000 tỷ đồng sẽ được “bơm” vào thị trường BĐS. Nhưng, liệu số tiền đó có cứu được thị trường?. Và bây giờ đã là thời điểm để cứu thị trường BĐS hay chưa?.

Tại hội thảo vực dậy nguồn lực BĐS vừa được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, ngày trong đầu tháng 6 này, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ 2 đề án về quỹ tiết kiệm gồm Quỹ dành cho người nghèo mua nhà có sự hỗ trợ của nhà nước và Quỹ dành cho người trung lưu và thu nhập khá trở lên tự tiết kiệm để có tiền mua nhà.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ có chiến lược phát triển nhà ở cho thuê, với sự hỗ trợ của nhà nước, vì nhu cầu thuê nhà rất lớn. Thế nhưng, đây là lĩnh vực mà các DN chưa mặn mà vì chưa có cơ chế hỗ trợ của nhà nước và không có sự đảm bảo về mặt pháp lý cho người có tài sản cho thuê.

Theo ông Nam, thời gian tới, có nhiều tín hiệu cho thấy, có một nguồn tiền lớn sẽ được bơm vào thị trường BĐS. Trong số 180.000 tỷ đồng đầu tư công dành riêng cho năm 2012, Chính phủ mới dùng 60.000 tỷ đồng, vì thế trong 7 tháng còn lại của năm, 120.000 tỷ đồng nữa sẽ được bơm vào thị trường "chắc chắn sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến nhiều ngành nghề khác, trong đó có địa ốc", ông Nam nói.

Bên cạnh đó, cộng thêm 38.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tạm ứng trước vốn năm 2013 thì trong 7 tháng cuối năm thị trường có thể đón nhận khoảng 200.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến gói giải pháp khoanh nợ 100.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) tạo điều kiện cho các ngân hàng giải ngân cho vay giúp tăng trưởng kinh tế.

Để đạt mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch – từ 14%- 15%, các ngân hàng cần một cuộc bứt phá trong 7 tháng cuối năm, bởi trong 5 tháng đầu năm nhiều ngân hàng đang trong tình trạng tăng trưởng tín dụng âm. Dự kiến có khoảng 300.000 tỉ đồng cần phải được giải ngân.

Vị lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng tin tưởng rằng, dòng tiền trong người dân đang đầu tư vào vàng, USD, gửi tiết kiệm… sớm muộn cũng sẽ chảy vào BĐS khi lãi suất hạ nhiệt và các kênh đầu tư còn lại bắt đầu mất dần tính hấp dẫn. Sự tham gia của các ngân hàng cũng tạo động lực quan trọng hỗ trợ thị trường BĐS. Chẳng hạn, gói 4.000 tỷ đồng cho vay BĐS trong vòng 2 năm của BIDV cũng đang có tác dụng quan trọng ở một số dự án. ACB và một số ngân hàng khác cũng đang dự tính đến việc cung cấp những gói tương tự.

Đã đến lúc cứu thị trường BĐS?

Ông Lê Xuân Nghĩa – nguyên phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng tin rằng chính sách tài khóa và tiền tệ như ông Nam đã dẫn ra có thể giúp thị trường từng bước vực dậy. "Chưa bao giờ BĐS được quan tâm như hiện nay. Thậm chí Chính phủ đang có hẳn một chương trình tìm giải pháp vực dậy ngành này", ông Nghĩa nói.

500.000 tỷ đồng có cứu được BĐS? ảnh 1

Tuy nhiên, ngược lại, không ít chuyên gia khác lại hồ nghi về tác động của động thái vực dậy thị trường trong lúc này. Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, Phó giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, cho rằng, không nên vội vàng cứu thị trường BĐS khi điều kiện chưa chín muồi.

“Tôi có nhiều lo lắng và quan ngại khi các chuyên gia cho rằng trong 6 tháng tới đây, thị trường BĐS sẽ có nhiều khởi sắc vì sẽ có một nguồn tiền được đưa vào thị trường thông qua các kênh đầu tư như từ ngân sách, đó là đầu tư công, trái phiếu chính phủ, hay những hoạt động khác của Chính phủ”, ông Chí nói. “Liệu rằng đây có phải là quá vội vàng hay không, vì khoảng thời gian còn lại của năm 2012 còn rất ngắn và nếu bơm một lượng tiền như vậy liệu có dễ dẫn đến tình trạng lạm phát trở lại như những bài học chúng ta đã có trước đây. Tôi nghĩ Chính phủ cần có những tháo gỡ trước mắt, nhưng cũng cần bình tĩnh đưa ra những giải pháp dài hơi hơn”.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Lam Sơn - Tổng giám đốc Công ty Việt Trust, đề nghị, chỉ nên giải cứu địa ốc bằng cách tài trợ cho người mua nhà vì hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều quá sẽ dẫn đến thị trường phát triển lệch lạc. Bên cạnh đó, cần xây dựng lại hệ thống thẩm định giá để định giá lại giá trị thực của BĐS.

Ông Phan Khắc Long - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phan Vũ – cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay cần được xử lý theo hướng xâu chuỗi, bởi vì khi các dự án đầu tư công hiện nay bị cắt nguồn vốn, sẽ khiến các công ty liên quan bị ảnh hưởng theo. “Do đó, khi Nhà nước bơm tiền cho các ngân hàng để giải cứu các doanh nghiệp thì cần sớm tính tới các dạng nợ xấu này để tránh từ một đồng nợ xấu sẽ dễn dẫn đến ba hay bốn đồng nợ xấu của những công ty liên quan”, ông Long nói.

Theo Bách Nguyễn
Pháp luật Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG