Không để thị trường BĐS đóng băng

Không để thị trường BĐS đóng băng
TPO – Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 2196/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường BĐS với một loạt biện pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong kiểm tra, thẩm định, cấp phép đầu tư BĐS.
Nhà thu nhập thấp do Vicoland làm chủ đầu tư.
Nhà thu nhập thấp do Vicoland làm chủ đầu tư.

Chỉ thị nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, có biện pháp đảm bảo các dự án được triển khai đồng bộ hệ thống hệ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản (BĐS), kịp thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh và dự án đầu tư hoặc đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường công tác quản lý hoạt động của thị trường, của các sàn giao dịch bất động sản, bảo đảm yêu cầu về tính công khai, minh bạch của thị trường BĐS.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012; yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11 của Chính phủ, bảo đảm tín dụng BĐS có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.

Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng BĐS với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.

Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường BĐS; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chỉ thị 2196/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Bộ Xây dựng phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về nhà ở và kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương trong việc quản lý thống nhất về phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động sản; xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn các địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý về cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở (kể cả nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị)...

 (Chi tiết tại: http://vanban.chinhphu.vn/vanbanpq/lawdocs/CT2196TTG.PDF?id=110658)

Vũ Như

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.