‘Sổ đỏ giả’ thời công nghệ cao

‘Sổ đỏ giả’ thời công nghệ cao
Những "chuyên gia" làm giả dùng "sổ đỏ" thật scan để lấy bản mẫu, rồi đưa lên máy tính xử lý chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp "sổ đỏ". Máy in phun màu sẽ "giúp" các đối tượng hoàn tất khâu cuối cùng.

Khi các chuyên gia giám định tài liệu của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội, đưa ra 2 cuốn "sổ đỏ", lật đi lật lại, tôi cũng khó nhận ra đâu là sổ thật, đâu là sổ giả. Với công nghệ ngày càng hiện đại thì những giấy tờ giả do các đối tượng tội phạm sản xuất ngày càng tinh xảo và đã qua mặt không ít cơ quan Nhà nước…

Tại địa bàn Hà Nội, thống kê của Phòng Kỹ thuật hình sự, từ đầu năm 2008 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận từ Công an các quận, huyện, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP hàng trăm vụ việc liên quan đến "sổ đỏ", trong đó qua giám định đã phát hiện được 7 vụ sử dụng "sổ đỏ" giả để lừa đảo.

Điển hình như vụ Vũ Quốc Hội (33 tuổi) ở phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng một số đối tượng khác làm giả sổ đỏ một mảnh đất tại Thanh Trì, sau đó mang đến phòng công chứng làm hợp đồng ủy quyền thế chấp vay vốn ngân hàng thì bị phát hiện. Công an huyện Thanh Trì khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý.

Thời gian gần đây, khi việc thế chấp "sổ đỏ" để vay tiền ngân hàng đã được siết chặt hơn thì các đối tượng chuyển hướng dùng "sổ đỏ" để thế chấp các cá nhân, các hiệu cầm đồ, thế chấp thuê ô tô rồi mang đi cầm cố ở nơi khác.

Trước đây, Công an huyện Từ Liêm đã thụ lý vụ Phan Gia Huy ở đường Láng, Đống Đa dùng một cuốn "sổ đỏ" giả để thế chấp thuê xe ôtô Innova của chị Nguyễn Mai Hương ở Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm. Chủ xe thì giữ gìn quyển sổ đó rất cẩn thận. Đến lúc không thấy người thuê xe quay lại, trình báo cơ quan Công an mới biết cuốn "sổ đỏ" mình đang giữ chỉ là giả.

Giám định các "sổ đỏ" giả trên cho thấy, sổ giả có hình thức và màu sắc không khác sổ thật, khó mà phân biệt bằng mắt thường.Trước đây, các đối tượng làm giả "sổ đỏ" dùng thủ đoạn tẩy nội dung trên "sổ đỏ" thật để điền nội dung mới, hoặc móc nối với những cán bộ địa chính thoái hoá để mua bản phôi "sổ đỏ" thật, sau đó in nội dung mới lên.

Hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ số và sự tiện lợi, phổ biến của các loại máy móc kỹ thuật số, việc làm giả giấy tờ, trong đó có "sổ đỏ" được các đối tượng xấu thực hiện đơn giản hơn rất nhiều. Các đối tượng dùng "sổ đỏ" thật scan để lấy bản mẫu, sau đó đưa lên máy tính xử lý chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp "sổ đỏ".

Máy in phun màu sẽ "giúp" các đối tượng hoàn tất khâu cuối cùng - in "phiên bản" của "sổ đỏ" thật trên chất liệu giấy bìa cứng. Với thủ đoạn làm giả "sổ đỏ" kiểu này, các đối tượng chỉ cần ngồi nhà hô "biến" để trở thành chủ mảnh đất bất cứ nơi nào chúng muốn nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Hiện nay, ngoài các giao dịch sử dụng "sổ đỏ" được cơ quan có thẩm quyền công nhận, rất nhiều giao dịch dân sự khác đang được các cá nhân dùng "sổ đỏ" làm tài sản tín chấp, thế chấp để vay mượn với những khoản vay lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Trước thủ đoạn mới của tội phạm làm "sổ đỏ" giả, cơ quan giám định kỹ thuật hình sự khuyến cáo các tổ chức và cá nhân khi nhận "sổ đỏ" cho vay, nên thông qua các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là cơ quan giám định để xác định độ tin cậy của các loại giấy tờ này, phòng ngừa đối tượng xấu lợi dụng hoạt động lừa đảo.

Theo Công an nhân dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.