'Bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất'

'Bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất'
Cho rằng thị trường có những dấu hiệu tốt hơn song Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận địa ốc còn rất khó khăn, doanh nghiệp phải đối mặt với hàng tồn kho nhiều, lãi suất cao và nợ xấu tăng lên.
Địa ốc vẫn còn rất khó khăn
Địa ốc vẫn còn rất khó khăn.

Tại cuộc họp giao ban triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm sáng nay, Bộ Xây dựng đánh giá, tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm tiếp tục khó khăn, giá cả sụt giảm ở tất cả các phân khúc. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không bán được hàng. Thông tin Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất đã tác động nhất định đến thị trường khiến một số người có nhu cầu thực đã quan tâm, nhưng giao dịch thành công không nhiều. Phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa có niềm tin vào thị trường và mang tâm lý chờ giá cả hạ nữa.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, doanh nghiệp địa ốc, vật liệu xây dựng phải đối mặt với hàng tồn kho nhiều, lãi suất cao. "Thị trường bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất, giao dịch ít. Doanh nghiệp cũng chật vật vì nợ xấu tăng lên", ông Dũng nói.

6 tháng đầu năm, do tác động tiêu cực từ sự đóng băng của thị trường bất động sản nên sản lượng sản xuất và nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng như gạch ốp láp, kính xây dựng đều giảm đáng kể. Tiêu biểu như gạch bê tông áp đang chật vật tìm thị trường tiêu thụ. Cả nước có 9 nhà máy thì thì còn 2 nhà máy sản xuất cầm chừng, 7 trường hợp còn lại dừng sản xuất vì không có tiêu thụ, tồn kho hơn 1 tỷ viên gạch.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, giao dịch địa ốc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đều trầm lắng. Hà Nội chỉ có giao dịch tại những dự án sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào sử dụng. Khách hàng phần lớn là những người ngoại tỉnh, gia đình trẻ mua căn hộ nhỏ 60-100 m2, giá 1,5-2,5 tỷ đồng, còn chung cư lớn ế ẩm. Giá căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề tiếp tục hạ nhiệt, có trường hợp giảm 50% so với năm 2010 (thời điểm giá địa ốc lên cao), nhưng vẫn rất ít giao dịch. Tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp không dám mở bán dự án mới.

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Đỗ Phi Hùng thẳng thắn, toàn thành phố có 860 dự án thì hầu hết đều chậm tiến độ. 50% số dự án chưa khởi công hoặc tạm dừng do thiếu vốn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Tiêu biểu như quận 9 có 85 dự án trong tổng số 153 dự án chưa triển khai, quận 12 có 42 trên tổng 81 và quận 2 có 56 trên 252 dự án.

Thị trường bất động sản khó khăn ở hàng loạt phân khúc, khiến tồn tới 20.000 căn hộ chưa bán được. Mặc dù chủ đầu tư giảm giá, hoãn tiến độ thu tiền để kích cầu nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình. Nhà đầu tư có tiềm lực tài chính hạn chế, vốn tự có quá nhỏ, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải vay tới 70-80% tổng vốn đầu tư trong thời gian 10-15 năm khiến tiến độ đầu tư bị ảnh hưởng. "Sự suy thoái hiện nay của thị trường bất động sản là hệ lụy của việc tăng trưởng nóng và tình trạng đầu cơ của những năm 2006-2007", ông Hùng chua xót.

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem cho hay, lợi nhuận dự kiến đạt 331 tỷ đồng, song giá điện tăng thì với mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn từ nay đến cuối năm, lợi nhuận sẽ sụt giảm 7-8%.

Hàng loạt ông lớn khác như Tập đoàn Sông Đà; Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) cũng buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch năm 2012 do "khó đạt được mục tiêu đề ra".

Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà Dương Khánh Toàn cho hay, các chủ đầu tư đều đang rất gặp khó khăn về vốn do lãi vay ngân hàng cao. Năm 2010, công nợ của Tập đoàn khoảng 3.000 tỷ đồng, năm 2011 khoảng 6.500 tỷ đồng và đến nay, con số này đã lên tới 21.000 tỷ đồng, trong đó công trình trọng điểm chiếm tới 7.500 tỷ đồng. "Chúng tôi sẽ phải điều chỉnh kế hoạch năm 2012, giá trị sản xuất kinh doanh và doanh thu sẽ giữ nguyên nhưng lợi nhuận không thể đạt được", ông Toàn thẳng thắn.

Cũng trong cảnh ngộ tương tự, 6 tháng đầu năm chỉ thực hiện được 40% kế hoạch đề ra, ông Nguyễn Đăng Nam Chủ tịch HUD cũng cho biết sẽ điều chỉnh lại kế hoạch năm 2012 và mục tiêu chỉ là "cố mà thực hiện mục tiêu mới".

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, trong thời gian tới, Bộ sẽ tìm cách tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành xây dựng, đồng thời hoàn thiện văn bản pháp luật để nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo Hoàng Lan
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG