Nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy khỏi các dự án ‘rùa’

Nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy khỏi các dự án ‘rùa’
Vừa qua hàng loạt nhà đầu tư đã phải kêu trời vì tiến độ của các chủ dự án. Thậm chí, họ phải biểu tình, thuê luật sư, và đưa nhau ra tòa.
Nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy khỏi các dự án ‘rùa’ ảnh 1

Sau một thời gian cố “chịu đấm ăn xôi” để chờ thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi nhưng tình hình trầm lắng vẫn cứ kéo dài, nhiều nhà đầu tư thứ cấp bắt buộc phải tháo chạy mong thoát chân khỏi "vũng bùn lầy".

Hiện tượng khách hàng yêu cầu rút vốn tại hàng loạt các dự án BĐS là hệ luỵ của tình trạng cấp tín dụng cho thị trường BĐS ở giai đoạn trước quá dễ dãi và tràn lan. Khi đó, các chủ đầu tư có thể vay một lượng tiền rất lớn để triển khai dự án, mà không tính đến nhu cầu thực tế của thị trường. Đến nay, nhiều chủ đầu tư mất khả năng trả khoản vay đó.

Bỏ cả vài tỷ đồng mua chung cư tại khu vực Cầu Giấy, Chị Lan không thể ngồi yên để đồng tiền của mình "bặt vô âm tín" khi dự án chị góp vốn đã bị đình trệ từ năm 2011 đến nay. Chị Lan kể: "Tôi đã gặp chủ đầu tư đề nghị hoàn lại số tiền góp vốn nhưng họ bảo đã cụt vốn. Hợp đồng có điều khoản nếu chậm giao nhà thì đến năm 2013 mới được hoàn tiền nên tôi vô cùng bế tắc".

Cũng như chị Lan, nhiều khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án bất động sản tại Hà Nội, như Ciputra, Vĩnh Hưng Dominium... đang đòi rút tiền đặt cọc. Nhưng dường như việc đòi được tiền vào lúc này xem ra là quá khó.

Không ít khách hàng vì sợ chủ đầu tư mất khả năng kiểm soát tài chính đã bấm bụng nhận căn hộ thô. Anh Thành chủ một căn hộ tại một dự án khu vực Cầu Giấy cho biết: "Đã đóng đến 80% giá trị căn hộ thì khó bỏ giữa chừng. Bây giờ, đòi lại vốn cũng không xong mà cũng không thể tiếp tục "giao trứng cho ác", nộp thêm tiền cho doanh nghiệp mình lại lo họ không hoàn thiện dự án. Cuối cùng, cách giải thoát tốt nhất là nhận nhà thô để tránh cảnh đêm dài lắm mộng".

Một số khách hàng chấp nhận chịu thiệt đã sẵn sàng giao bán căn hộ với mức triết khấu hấp dẫn. Tuy nhiên, ngay cả khi chịu lỗ thì người mua cũng không dễ đẩy hàng đi. “Đa phần nhà đầu tư đều vay vốn ngân hàng để lướt sóng nhưng vì kẹt vốn nên họ chấp nhận bán lỗ. Nhưng bây giờ bán lại cũng rất khó vì chính các chủ đầu tư dự án đều đang tung ra mức chiết khấu cao hấp dẫn khách hàng. Nhiều người chết dở vì không bán lại được” - anh Long, một nhà đầu tư cho biết.

Các chuyên gia bất động sản nhận định, hiện nay việc khách hàng đòi rút vốn tại các dự án có tỷ suất thành công không cao bởi số tiền chủ đầu tư huy động được một phần đã dùng để xây dựng dự án, một phần có thể đã được dùng vào các dự án khác. Vì vậy, để có tiền trả lại cho nhà đầu tư, buộc chủ đầu tư phải bán hết chỗ hàng tồn để thu tiền về. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường BĐS "chín người bán, một người mua" như thế này thì đây là điều gần như không thể.

Theo AStockbiz

Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc của CBRE Việt Nam, thị trường căn hộ sẽ khó hồi phục nhanh. Chu kỳ lạm phát những năm gần đây cho thấy độ trễ từ khi lạm phát và lãi suất giảm xuống còn dưới 10% cho đến khi thị trường căn hộ hồi phục là 6 tháng. Để giải phóng hàng tồn, các chủ đầu tư BĐS cần thoát nhanh khỏi các dự án và bán càng nhanh càng tốt.
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG