Thất thoát lớn

Công ty CP Cao su Hà Nội cho thuê lại nhà chuyên dùng trên phố Cát Linh hưởng lợi bất chính Ảnh: Minh Tuấn
Công ty CP Cao su Hà Nội cho thuê lại nhà chuyên dùng trên phố Cát Linh hưởng lợi bất chính Ảnh: Minh Tuấn
TP - Nhiều ý kiến đặt ra khá bức xúc quanh việc quản lý 1.075 địa điểm nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội trong buổi giám sát của HĐND thành phố tại Sở Tài chính chiều qua (5-9).

> Nhiều vi phạm trong cho thuê quỹ nhà sở hữu nhà nước

Sở Tài chính Hà Nội cho hay việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn. Hàng trăm địa điểm đã bị lấn chiếm, cơi nới trái phép, thậm chí bị cho thuê lại hưởng lợi bất chính trên tài sản của nhà nước. 1.075 cơ sở với 189.354 m2 nhà và 183.019 m2 đất, đa số là địa điểm đắc địa, mặt phố trung tâm nhưng số tiền cho thuê hàng năm thu cao nhất trên 99 tỷ đồng.

Trong đó, nhà nước thu được rất ít. Sở Tài chính đề nghị UBND thành phố sớm phê duyệt khung giá cho thuê mới mà mức tăng cao nhất là 220.000 đồng/m2/tháng...

Ông Nguyễn Xuân Diên, thành viên đoàn giám sát cho rằng, mức giá cho thuê 80.000 đồng/m2/tháng tại nhiều vị trí đang có sự chênh lệch quá lớn với giá thị trường kéo dài trong nhiều năm.

Trước thực trạng nhức nhối trong quản lý quỹ nhà này, Sở Tài chính đề nghị thành phố cần bán hẳn những cơ sở nhà đất nhỏ lẻ diện tích dưới 50 m2, một phần giao tài sản vào vốn của doanh nghiệp, một phần tiếp tục cho thuê theo giá mới, tiến dần tới đấu giá quyền thuê.

Dự kiến giá thuê nhà mới chia làm 6 hạng tuỳ theo vị trí nhà đất, dao động từ 80.000 đồng đến 220.000 đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Thịnh, Phó ban Kinh tế ngân sách, HĐND thành phố lưu ý: làm rõ việc đề xuất giao tài sản nhà nước vào vốn doanh nghiệp dựa trên cơ sở pháp lý nào.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Thị Hà Ninh cho biết, bản thân Sở cũng nhận rõ những bất hợp lý trong mô hình quản lý này và đã ít nhất 3 lần có văn bản đề nghị Sở Xây dựng tính toán, chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp hơn, những loại nhà nào thật sự cần cơ quan trung gian quản lý, hay thực hiện cơ chế đặt hàng, khoán tránh tình trạng cồng kềnh bộ máy quản lý.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố nhận xét: thực trạng quản lý quỹ nhà chuyên dùng thấy đang có sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

“Tôi cho rằng cần xem lại sự cần thiết phải duy trì quỹ nhà này. Đang có sự thất thoát lớn cho ngân sách” - ông Nam kiến nghị.

Đến nay sau 5 năm thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại cơ sở nhà đất, trên địa bàn Hà Nội mới có 18/70 bộ ngành, cơ quan trung ương, tổng công ty kê khai. Trong đó, mới phê duyệt được 50% đề án sắp xếp. Có tới 35/51 doanh nghiệp nhà nước của Hà Nội chưa kê khai nhà đất; 19/57 sở ngành đoàn thể cũng chưa kê khai...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG