Căn hộ sẽ đại hạ giá

Căn hộ sẽ đại hạ giá
TP - Cơn lốc đại hạ giá căn hộ tại dự án Đại Thanh (Thanh Trì-Hà Nội) lan cả vào cuộc đối thoại chiều qua 25-10, giữa Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nhằm cứu thị trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia nhận định, giá căn hộ còn giảm tiếp từ nay tới cuối năm.

> Phân khúc cao cấp bắt đầu lao dốc

Đại hạ giá, ế nhà thu nhập thấp

Trong khi bế tắc giải pháp khơi thông thị trường, nhưng các doanh nghiệp tỏ ra lo ngại “cơn sốt” đại hạ giá của chủ đầu tư dự án Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội).

Ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Vinaconex cho rằng, giá căn hộ Đại Thanh thấp nhất chỉ 10 triệu đồng/m2, thấp hơn cả nhà thu nhập thấp (được nhà nước ưu đãi về mặt bằng).

“Chúng tôi hiện đã xây gần xong nhà nhưng người dân đăng ký mua không chịu nộp tiền. Thêm nữa hiện nay họ có sự so sánh khi nhà thu nhập thấp đang cao hơn nhà ở thương mại của tư nhân nên họ càng chần chừ nộp tiền, thậm chí thôi không mua nữa”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thành – Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Hải Phòng, thừa nhận: “Có những thời điểm, chi phí lãi ngân hàng chiếm 50% giá thành căn hộ. Ngay như dự án nhà thu nhập thấp lãi suất ngân hàng cũng lên tới 20% làm doanh nghiệp có muốn bán rẻ cũng không được”.

Thực tế ghi nhận, hiện nhà thu nhập thấp tại Hà Nội các chủ đầu tư vẫn giữ giá, thấp nhất là dự án của Vinaconex Xuân Mai cũng hơn 11 triệu đồng (dự án Kiến Hưng-Hà Đông), nhưng vị trí xa hơn Đại Thanh so với trung tâm thủ đô, còn các dự án Sài Đồng (Long Biên), Đặng Xá (Gia Lâm) đều có giá trên 13 triệu đồng/m2.

Trong khi, thủ tục mua nhà thu nhập thấp vẫn khá chặt (phải có hộ khẩu Hà Nội, qua nhiều khâu xét duyệt, không được mua bán trong 5 năm đầu)...

Chưa kể, với các dự án nhà thu nhập thấp, những người đã đăng ký mua và nộp tiền không được chủ đầu tư giảm giá.

Còn dự án Đại Thanh, tuy là nhà thương mại nhưng chủ đầu tư cũng vừa quyết định giảm từ giá 14 triệu đồng/m2 trước đó xuống còn từ 10-13 triệu đồng cho khách hàng đã đặt mua căn hộ trước đây, trong những đợt đóng tiền tiếp theo.

Dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) mở màn cho làn sóng đại hạ giá căn hộ tại Hà Nội
Dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) mở màn cho làn sóng đại hạ giá căn hộ tại Hà Nội .

Căn hộ còn giảm mạnh 

Thị trường BĐS tại Hà Nội những ngày qua chứng kiến đợt giảm giá mạnh, sau khi chủ đầu tư căn hộ Đại Thanh giảm giá.

Trao đổi với Tiền Phong, một chủ doanh nghiệp chuyên làm nhà phân khúc giá rẻ nhận định: “Từ nay tới cuối năm đất sẽ giảm nhưng ít giao dịch, còn giá căn hộ chắc chắn giảm ít nhất 20% nữa. Bởi thời điểm cuối năm, nhiều chủ đầu tư phải trả nợ do đáo hạn ngân hàng, trả lương thưởng tết cho người lao động, nên buộc phải bán dù lỗ. Trong khi, nhìn dài hạn sang năm 2013, Chính phủ cũng chưa có giải pháp cụ thể nào để hâm nóng thị trường”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng thừa nhận, tình trạng xuống giá của nhiều dự án BĐS là tất yếu.

“Ở Hà Nội tôi chỉ thấy có duy nhất dự án Đại Thanh bán mức giá 10 triệu đồng/m2 còn các dự án chung cư khác tuy giảm giá nhưng vẫn ở mức trên 20 triệu đồng/m2.

Từ hiện tượng người dân đổ xô mua chung cư Đại Thanh cho thấy nhu cầu của đa số khách hàng vẫn ở mức dưới 1 tỷ đồng/căn hộ.

Thời điểm này, khách hàng có nhiều cơ hội mua nhà hơn và các chủ đầu tư cũng dùng đủ mọi cách để đẩy nhanh hàng trước nguy cơ phá sản”, ông Võ nói.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Dừng dự án mới, lấy đất bỏ hoang trồng rau

“Hiện ở Hà Nội có 20.000 ha giao cho các dự án nhưng rất may không phải dự án nào cũng thực hiện được. Với những dự án chưa giải phóng mặt bằng, nếu không phải công trình bức thiết thì cho dừng lại.

Với những dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa làm hạ tầng nếu chỉ là BĐS nhà ở thì giữ lại chưa cho làm. Nhưng để tránh tình trạng đất bỏ hoang nên có chính sách để khuyến khích nhà đầu tư cho dân thuê lại đất để trồng rau, canh tác.

Với những dự án đã đầu tư hạ tầng thì cho điều chỉnh dự án tăng cơ cấu nhà ở xã hội lên.

Đặc biệt, với những căn hộ đã xây rồi nhưng chưa bán được thì nên xem xét từng trường hợp cụ thể cho chia nhỏ căn hộ để DN bán được hàng.

Đặc biệt, chuyển nhà thương mại sang xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất là bước đột phá tháo gỡ thị trường khó khăn, doanh nghiệp tập trung cơ cấu dự án, không làm được chuyển dự án, kinh doanh BĐS phải quyết liệt hạ giá, cơ cấu lại sản phẩm, sản phẩm BĐS phải tới người tiêu dùng”, Bộ trưởng xây dựng Trịnh Đình Dũng nói tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp BĐS chiều 25-10.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG