Cơn lốc mang tên 'trục Thăng Long'

Cơn lốc mang tên 'trục Thăng Long'
TP - Gặp gỡ với nhiều cán bộ UBND huyện Ba Vì, các xã như Yên Bài, Vân Hoà và nhiều văn phòng môi giới... dường như nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước cơn sốt đất chưa từng có từ thông tin quy hoạch trục Thăng Long vào đầu năm 2010 kèm theo viễn cảnh kết nối Hồ Tây - Ba Vì ...

> Bài 1: Ba Vì- Hà Nội: Hô biến đất rừng thành thổ cư (P1)
> Quy hoạch sử dụng đất của 7 tỉnh

Khắp nơi biệt thự, chia lô bỏ hoang

Quanh một vòng huyện Ba Vì, nhất là các xã Vân Hoà, Yên Bài, chúng tôi tận thấy nhiều khu biệt thự để hoang mốc meo không người ở. Ngay gần trụ sở UBND xã Yên Bài, một khu gần chục căn biệt thự quy mô hàng ngàn mét vuông đất cho mỗi căn biệt thự xây thô hoành tráng nhiều năm vẫn bỏ hoang.

Cỏ hoang mọc ngập ống chân, rêu xanh bám đầy chân tường, mái nhà. Ông Bạch Văn Sỹ nhà ở chân đồi Đá Bạc cho biết, rất nhiều gia đình trong xã Yên Bài đã đua nhau cắt đất đồi rừng bán vào thời điểm đất sốt giá năm 2010.

“Đất ở đồi Đá Bạc là đất rừng sản xuất nhưng nhiều người cũng đã bán lại để xây biệt thự. Cũng vì vậy nên không giữ được rừng, cây bị chặt hết”- ông Sỹ nói.

Tại Ba Vì, resort, khu nghỉ dưỡng mọc lên như nấm, cái thì bám theo đường nối từ đại lộ Thăng Long đi vào Yên Bài, cái thì tạo ra sự huyền bí khi nằm sâu hun hút trong rừng, trong các thung lũng sâu phải đi theo đường độc đạo.

Nhiều nhất phải kể tới hàng ngàn lô đất mà các đại gia từ nội thành Hà Nội lên Ba Vì mua gom đất đồi rừng, đất nông lâm trường rồi cho xây quây rào để đó.

Nhiều văn phòng môi giới nhà đất tại Ba Vì đon đả chào mời chúng tôi mua lại đất đồi rừng với giá chỉ bằng 30% so với khi sốt giá. “Anh quyết ngay đi, giá bây giờ chỉ còn từ 30-50% so với lúc sốt. 500 ngàn đồng/m2, 1,2 triệu/m2, loại nào cũng có cả” - một cò đất đưa ra cả tập sổ đỏ, giấy tờ photo khẳng định.

UBND huyện Ba Vì cho biết, ngoài việc các hộ dân tự bán đất đồi rừng, tại nhiều nông lâm trường hàng chục hecta đất công cũng chuyển thành món hàng.

Điển hình như tại Trung tâm nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì đã xảy ra hiện tượng chuyển nhượng hợp đồng giao khoán đất, mua bán đất nhận khoán, xây nhà nghỉ dưỡng trên đất nhận khoán sản xuất nông nghiệp.

Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn Ca Đa đã tự ý dùng gần 22 ha đất được giao làm nhiệm vụ chăn nuôi để giao đất làm nhà ở và làm vườn.

Một số đơn vị khác như Vườn Quốc gia Ba Vì, Xí nghiệp thuỷ lợi Ba Vì, Công ty CP giống gia cầm Ba Vì, Trung tâm dịch vụ và chuyển giao kỹ thuật lâm nông nghiệp Ba Vì...đều có vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.

Không dễ xử lý hậu quả

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về quyền lợi của người mua biệt thự nếu như dự án bị đình chỉ xây dựng hoặc gặp những trục trặc về pháp lý, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Archi Land cho biết giữa công ty và khách hàng đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thi công xây dựng công trình với nhiều điều khoản chặt chẽ, có thưởng phạt rõ ràng.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Vân Hoà khẳng định, toàn bộ việc thi công khu biệt thự trên đồi Bơn nhìn ra hồ Đập Đống đã bị đình chỉ thi công, việc triển khai tiếp theo phải chờ đến khi có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Quế, Chánh thanh tra xây dựng huyện Ba Vì cho rằng, xử lý cán bộ thì dễ nhưng giải quyết, khắc phục hậu quả của vụ việc mới là điều vô cùng khó khăn. Điển hình như việc xây biệt thự tràn lan tại xã Vân Hoà và Yên Bài, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này đó là đã cấp sai sổ đỏ cho cả diện tích đất đồi rừng.

“Khi người ta xây dựng thì không thấy ai đến nhắc nhở, hướng dẫn thì sau này xử lý rất khó. Xử lý vi phạm xây dựng trong trường hợp này cần hướng dẫn của thành phố” - bà Quế nói.

Còn nữa

“Ròng rã gần sáu tháng trời sốt đất Ba Vì năm 2010 do thông tin về quy hoạch trục Thăng Long, rất nhiều người đã tìm đến với tôi. Nhưng không phải là lúc mua bán mà là để nhờ xử lý hậu quả sau mua bán. Lúc đầu chỉ có quan bà, quan con xuất hiện. Nhưng khi xử lý không được nữa thì quan bố xuất hiện. Giới quan chức dính nhiều lắm. Nếu giúp họ mình có thể thành tiên luôn, mình thích gì doanh nghiệp cũng hỗ trợ...”- một cán bộ có trách nhiệm của UBND huyện Ba Vì cho PV Tiền Phong biết.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG