'Bắt mạch' thị trường bất động sản

'Bắt mạch' thị trường bất động sản
TP - Năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) ở TPHCM có dấu hiệu chững lại so với 2016, khiến việc kinh doanh bán hàng của doanh nghiệp gặp khó. Tiền Phong ghi nhận những ý kiến chia sẻ của doanh nghiệp đâu là nguyên nhân, giải pháp nào để thị trường ổn định và phát triển.
 
'Bắt mạch' thị trường bất động sản ảnh 1 Ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land 

Ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, với những tín hiệu tích cực của thị trường BĐS trong giai đoạn từ cuối năm 2013 đến nay, có thể nói năm 2017 vẫn là thời điểm giao dịch thích hợp cho cả nhà đầu tư cũng như khách hàng có nhu cầu về nhà ở. Thế nhưng, so với nhịp hồi phục của giai đoạn 2013 - 2016, thị trường bất động sản 2017 cho thấy đà tăng trưởng tuy kém phần sôi động.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến điều này đó là niềm tin của khách hàng đối với thị trường đã hồi phục, kéo theo hàng loạt các dự án thuộc nhiều phân khúc được các chủ đầu tư giới thiệu đến khách hàng.

Cụ thể, chỉ trong năm 2016, toàn thị trường TPHCM có đến 31.000 căn hộ mới được chào bán, tăng 17,6% so với năm 2015. Trong đó, sự bùng nổ của các dự án căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng phát triển rầm rộ vượt quá nhu cầu hiện tại. Trong khi đó thị trường lại thiếu hụt những sản phẩm nhà ở vừa túi tiền.

Ngoài ra, việc khan hiếm quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất sạch và rẻ cũng là nguyên nhân khiến cho các dự án BĐS phân khúc trung bình ít xuất hiện trên thị trường như giai đoạn 2014 – 2016. Sự chênh lệch về nguồn cung các phân khúc vẫn luôn là bài toán khó giải đối với toàn thị trường BĐS.

Ngoài ra, thị trường BĐS năm 2017 không bùng nổ như giai đoạn 2014 – 2016 một phần do các chủ đầu tư đã thận trọng trong kế hoạch kinh doanh của mình trước các chính sách mới.

Nổi bật trong đó là việc ngân hàng siết chặt dòng vốn tín dụng vào BĐS, giảm sự phụ thuộc của các nhà đầu tư vào nguồn vốn từ ngân hàng. Và mới đây, đề xuất của Bộ Tài chính về việc đánh thuế vào người sở hữu từ 2 BĐS trở lên cũng khiến người mua nhà e dè.

Theo tôi, nên quan tâm đầu tư cho các sản phẩm tầm trung dành cho người có thu nhập trung bình và khá. Đây là hướng đi lâu dài mà chúng ta nên đẩy mạnh, vì nhu cầu nhà ở của đối tượng này là rất lớn. Cụ thể, trong năm 2017, Hưng Thịnh Corp tung ra thị trường 3 dự án thuộc phân khúc trung cấp vừa túi tiền và đều nhận được sự quan tâm, đón nhận nhiệt tình từ phía khách hàng.

Thực tế cho thấy thời gian qua, một số nhà đầu tư thấy được tiềm năng từ phân khúc BĐS này và mạnh dạn chuyển hướng đầu tư, chấp nhận lợi nhuận thấp hơn các phân khúc cao cấp khác nhưng tính thanh khoản cao, giúp thị trường phát triển bền vững và ổn định.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư có thể xem xét để thay đổi cơ cấu sản phẩm. Ví dụ, có thể đẩy mạnh phát triển các căn hộ có diện tích vừa phải hay loại hình officetel để tiết giảm diện tích, giúp giảm giá thành, tăng khả năng sử dụng cho các đối tượng khách hàng.

'Bắt mạch' thị trường bất động sản ảnh 2 Ông Vũ Anh Tâm - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Tài Nguyên:

Ông Vũ Anh Tâm - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Tài Nguyên:

Năm 2017 thị trường BĐS đang chững lại, nguyên nhân do quy hoạch sản phẩm BĐS căn hộ quá dư thừa, không có bài toán vĩ mô. Hàng tồn đọng của năm 2016 còn dư lại chưa tiêu thụ được thì năm 2017 tiếp tục được cấp phép, nhiều dự án mọc lên, vì vậy cung cầu không đồng đều.

Nguồn cung quá nhiều, nhất là phân khúc trung và cao cấp. Phân khúc cao cấp thì giá trị cao, trong khi đó khách hàng cho phân khúc này hạn chế dẫn đến tồn kho. Hay những dự án tung ra trên thị trường không đúng với giá trị thực, giá cao hơn giá thị trường khiến khách hàng cảnh giác.

Chủ đầu tư chưa đáp ứng đúng với các tiêu chí đưa ra đối với các căn hộ trung cấp và cao cấp. Tập trung bán làm sao cho tốt chứ không tập trung vào các giá trị không gian sống như cây xanh, công  viên hay những giá trị cộng hưởng xung quanh. Đối với các khách hàng đang gặp nhiều khó khăn, nên không phải lúc nào cũng sẵn sàng xuống tiền sở hữu căn hộ.

Hiện tại, gói 30.000 tỷ đồng đã không còn, không có nguồn tiền hỗ trợ cho người dân vay lãi suất ngân hàng để họ tính toán lâu dài để mua căn hộ tại TPHCM. Không có dòng tài chính khác nổi bật, không có dư địa tín dụng để đáp ứng nhu cầu của người dân nên thị trường BĐS chững lại.

'Bắt mạch' thị trường bất động sản ảnh 3 Ảnh: Nhật Minh.

Hướng giải quyết, thứ nhất là thủ tục hành chính phải rút ngắn để không mất thời gian của các chủ đầu tư. Vì thời gian càng kéo dài thì chủ đầu tư phải chấp nhận vay ngân hàng khiến giá trị BĐS tăng. Giấy phép xây dựng kéo dài 1-3 năm làm cho cơ hội đầu tư, nhìn nhận thị trường, cơ hội kinh doanh bị mất đi.

Thứ hai, chúng ta nên liên kết với các ngân hàng để tạo ra nguồn tiền, đưa ra những gói hỗ trợ người dân. Như vậy, ngân hàng sẽ giải ngân được nguồn tiền đang có. Lãi suất vay nên giảm, đổi lại sẽ có nhiều người vay, người dân được tiếp cận nguồn tiền và tạo cho họ cơ hội mua nhà.

Thứ ba, chúng ta phải quy hoạch lại thị trường BĐS. Hiện nay có rất nhiều số liệu để báo cáo, nhưng những số liệu này không qua một đơn vị nào để kiểm chứng. Như vậy, chúng ta cần khuyến cáo đối với các chủ đầu tư vì hiện tất cả các chủ đầu tư đang tù mù không biết trên thị trường có bao nhiêu căn hộ đang tồn đọng.

Tất cả các số liệu báo cáo để bán hàng hiện là số liệu ảo. Vì vậy, chúng ta nên có công cụ giám sát, thẩm định các số liệu và phải có trang web công bố chính danh tại cơ quan quản lý nhà nước. Dựa vào đó, các chủ đầu tư có thể chuyển hướng sản phẩm kinh doanh cho phù hợp.  

Các chủ đầu tư có thể xem xét để thay đổi cơ cấu sản phẩm. Ví dụ, có thể đẩy mạnh phát triển các căn hộ có diện tích vừa phải hay loại hình officetel để tiết giảm diện tích, giúp giảm giá thành, tăng khả năng sử dụng cho các đối tượng khách hàng. 

MỚI - NÓNG