Bộ gây ra tranh chấp không đáng có?

Bộ gây ra tranh chấp không đáng có?
TP - Trước mâu thuẫn, tranh cãi giữa khách hàng và chủ đầu tư về cách tính diện tích căn hộ; ông Nguyễn Mạnh Hà (Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường BĐS-Bộ Xây dựng) khẳng định:

> Nới điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng
> Bất động sản vẫn cần vực dậy niềm tin

Nội dung hướng dẫn cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua, bán căn hộ nhà chung cư tại Thông tư 16/2010 (Bộ Xây dựng) không trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở).

Theo ông Hà, tính diện tích sàn căn hộ theo phương pháp nào cũng không làm ảnh hưởng đến xác định phần diện tích thuộc sở hữu chung - riêng trong chung cư. Quy định chỉ để xác định số tiền mua căn hộ dễ dàng và chính xác.

Do đó, bộ không quy định bắt buộc, mà để 2 bên tự thỏa thuận. Khi các bên đã thống nhất lựa chọn cách tính diện tích căn hộ, và ghi vào hợp đồng mua bán thì phải tuân thủ các thỏa thuận. Theo đó, dù cách tính nào cũng không có khác biệt về giá; không gây thiệt hại cho các bên.

Bởi vì nguyên tắc toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư (cả sở hữu chung và riêng) đều được tính vào giá bán các căn hộ. “Nếu tính theo tim tường, đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ giảm xuống và ngược lại. Tổng giá bán căn hộ của 2 trường hợp này đều không thay đổi”, ông Hà nói.

Ông Nguyễn Văn Đực-Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, nhà nước không nên đưa ra quy định cách tính diện tích căn hộ như thế nào, mà để chủ đầu tư và khách hàng tự thỏa thuận.

“Trước đây, khi quy định trên chưa được Bộ Xây dựng đưa ra, chủ đầu tư và khách hàng vẫn tính từ tim tường. Nhưng từ ngày có quy định đó đã dẫn tới nhiều tranh chấp không đáng có giữa khách hàng và chủ đầu tư”, ông Đực nói. Chính khách hàng và doanh nghiệp ông Đực cũng xảy ra tranh chấp. Cuối cùng phải đưa ra giải pháp ghi cả hai diện tích (tính từ tim tường và thông thủy) vào phần bản vẽ căn hộ trong sổ hồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG