Cạn tiền, ngập nợ vì mong ước xây nhà hoành tráng của bố mẹ

Nhiều người làm việc cực khổ mới có được đồng tiền nhưng lại không có kế hoạch quản lý, chi tiêu hợp lý. Ảnh: Kyotoreview.
Nhiều người làm việc cực khổ mới có được đồng tiền nhưng lại không có kế hoạch quản lý, chi tiêu hợp lý. Ảnh: Kyotoreview.
Sau 3 năm làm việc cật lực ở xứ người, vợ chồng anh Long không có khoản dư nào vì tiền bạc gửi về bố mẹ dồn hết làm nhà to.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Đức Long, 31 tuổi ở ngoại thành Hà Nội về sai lầm khi để cha mẹ giữ tiền hộ và không kiên quyết khi phụ huynh quyết định xây nhà to, lúc vợ chồng anh đi làm việc ở xứ người. 

Vợ chồng tôi đi xuất khẩu lao động về hơn 6 tháng trước. Giờ chồng làm bảo vệ tại một tòa chung cư ở Hà Nội, vợ đi làm may - kém hơn xuất phát điểm ngày chúng tôi rời quê hương ra đi đầu năm 2015.

Khi đó, chúng tôi mới cưới nhau, chưa con cái gì, cả hai đi Đài Loan để kiếm chút vốn liếng sau về làm ăn cho thuận lợi. Ngày ấy, tôi đang đi làm cho một công ty xây dựng, lắp đặt các cơ sở sản xuất, vợ là công nhân may giỏi, thỉnh thoảng còn tự may đồ cho người thân. 

Cuộc sống ở xứ người không suôn sẻ như người ta vẽ lên lúc ở quê nhà. Có thời điểm, vì phải làm ở một cơ sở tư nhân quá khắc nghiệt, lương thấp, tôi đã phải trốn ra ngoài, sống nơm nớp sợ hãi bị bắt và tống về nước khi chưa có đồng nào. Rồi tôi phải làm đêm triền miên, có lúc tưởng như kiệt sức. Vợ tôi thuận lợi hơn, có công việc thu nhập ổn định nhưng cũng nhiều lần phải chịu ấm ức khi đi làm giúp việc. 

Dù vậy, mỗi lần gọi điện về nhà, chúng tôi không dám than thở một câu, vì tự mình đã chọn và không muốn người thân phải lo lắng. Cả hai vợ chồng đều ăn tiêu dè sẻn, được bao nhiêu là gửi về cho mẹ tôi, trước là để trả khoản nợ vay đi xuất khẩu, sau là tích lũy lấy vốn làm ăn và xây nhà cửa. 

Giữa năm ngoái, bố mẹ tôi gọi điện sang nói muốn lấy số tiền vợ chồng tôi gửi về để làm nhà. Tôi là con trai một, các chị gái đều đã đi lấy chồng nên mảnh đất các cụ đang ở sau sẽ là của tôi. Các cụ nói định làm ngay để khi vợ chồng tôi trở về là đã có nhà cao cửa rộng đàng hoàng. "Đứa nào ra nước ngoài về mà chả làm nhà. Làm trước, sau các con về sẵn ở", mẹ tôi bảo.

Thực tình, vợ chồng tôi muốn khi trở về mới tự làm theo ý mình nhưng các cụ thuyết phục mãi, rằng chúng tôi muốn ra sao chỉ cần nói rõ, ở nhà sẽ làm y như vậy, nên tôi cũng xuôi xuôi. Nhưng trong khi tôi và vợ chỉ muốn làm gian nhà nhỏ 2 tầng, bố mẹ tôi nhất quyết phải xây lên tầng 3 vì cho là "như thế mới đẹp" và sau này con cái chúng tôi có chỗ ở thoải mái. 

Chẳng thể "chỉ đạo" từ xa, vợ chồng tôi quyết định không gửi tiền về nữa mà tự giữ. Nhưng cách này cũng không ăn thua khi phụ huynh tuyên bố "họ hàng, làng xóm thấy mình làm nhà đã mang tiền tới cho mượn. Bố mẹ cứ cầm tạm, lúc nào chúng mày về thì trả". 

Nghĩ cảnh đi làm xa xứ bao năm về quê lại è cổ trả nợ, vợ chồng tôi ngao ngán. Nhưng chúng tôi lấy nhau đã lâu mà chưa có con nên cũng muốn trở về để ổn định và sinh nở, chứ lao động ở nước ngoài, đâu dám để vỡ kế hoạch. 

Ngày chúng tôi về nước, dù mừng vui khôn xiết khi được gặp người thân sau 3 năm xa cách, tôi thực sự phiền lòng khi thấy ngôi nhà hoành tráng mọc lên chỗ gian cấp 4 nhỏ nhắn khi xưa mình ở. Ngôi nhà bố mẹ xây cho tôi cao 3 tầng, diện tích mặt sàn hơn 70m2, hình chữ L, tường ngoài vẫn thô kệch, bên trong cũng chỉ sơn qua loa. Bên trong căn nhà to đùng đó, vẫn là những vật dụng tôi đã quen thuộc, từ chiếc giường, đến tủ quần áo, bộ bàn ghế gỗ cũ, chỉ thêm chiếc TV lớn cho phù hợp với phòng khách thênh thang. 

"Đấy, bố mẹ chưa sắm gì đâu, vợ chồng mày về thích đồ gì thì mua lắp vào", bố mẹ tôi chỉ chỏ nói vậy khi thấy ánh mắt lộ vẻ thất vọng của các con. 

Sau mấy ngày đầu bận rộn, hồ hởi đón tiếp người thân, bạn bè qua chơi, vợ chồng tôi bắt đầu được bố mẹ liệt kê các chủ và khoản nợ vay làm nhà. Đầu tôi như có ngọn lửa phừng phừng cháy. Tất cả vốn liếng mang về của vợ chồng tôi thực sự không đủ để trả những khoản đó. Còn để mặc kệ ông bà tự trả vì đã tự vay, tôi thật cũng không đành. 

Vợ tôi những ngày sau càng mệt nhoài khi phải dọn dẹp căn nhà rỗng 5 phòng mà chỉ 2 trong số đó được sử dụng. Khi tính tới chuyện mua lại chiếc máy may nhận việc về làm, cô ấy chán nản tới nỗi lại đòi đi lao động tiếp. Tôi biết vợ mình vẫn ao ước đi về sẽ học thêm một khóa ngắn rồi mở tiệm cắt may. Nhưng giờ chúng tôi không còn tiền, lại có một khoản nợ nên chẳng thể đầu tư cho việc đó. Tôi cũng phải nhanh chóng tìm tạm việc ra tiền ngay, không dám mơ tưởng mở cửa hàng buôn bán gì vội. 

Tôi buồn nhất mỗi lần nhìn ngôi nhà mà đụng tới góc nào là thấy không ưng góc đó. Cầu thang làm kiểu cũ, dưới gầm là khoảng trống lớn tạo điều kiện cho bố mẹ tôi bày bừa đủ thứ đồ chẳng bao giờ cần dùng tới nữa. Nhà vệ sinh, bếp đều có diện tích quá to mà công năng thì không hề hợp lý. Cửa sổ, cửa chính... cũng chẳng đâu ra đâu. Ngôi nhà trong mơ của tôi không giống thế này và cũng chẳng tốn kém quá nhiều như thế. 

Tới thời điểm này, hai vợ chồng tôi đều đang làm thuê ở Hà Nội, thuê tạm một căn phòng nhỏ sống, thỉnh thoảng cuối tuần mới về. Chúng tôi không dám trách móc bố mẹ, chỉ trách bản thân đã không có kế hoạch ngay từ đầu, rằng tiền làm ra sẽ tích lũy ra sao, để vào việc gì và bàn kỹ với bố mẹ để các cụ cũng biết hướng và hỗ trợ. Chúng tôi cũng đã không kiên quyết phản đối khi bố mẹ định xây nhà và chưa quyết liệt tự quản tài chính của mình, nên giờ mới rơi vào tình cảnh này. 

Theo chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê (TP HCM), một nguyên tắc rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tài chính là không bao giờ đưa tiền mình cho người khác tiêu và cũng chớ sử dụng tiền của người khác. Nhưng nguyên tắc này đã bị phá vỡ trong tình huống của nhân vật và cũng không hề là trường hợp cá biệt trong cuộc sống ngày nay, khi nhiều bố mẹ vẫn quan niệm gia tài của mình sẽ dành hết cho con cái và tiền con làm ra cũng để phục vụ gia đình. 

Chuyên gia Bội Lê cho rằng, hai vợ chồng trẻ trong bài bị rơi vào thế không thể thay đổi được khi bố mẹ đã quyết làm nhà thay họ. Lỗi ở bố mẹ nhưng cũng của chính người trẻ khi không có kế hoạch quản lý tiền bạc và mục tiêu kinh tế rõ ràng. Để tránh rơi vào tình cảnh này, chỉ có cách luôn tự kiểm soát tài chính cá nhân, không nên gửi bất cứ ai, dù thân thuộc tới mấy. Trước các quyết định quan trọng như xây nhà, mua đất... cần đưa ra quan điểm rõ ràng, dứt khoát. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.