Chủ đầu tư nhà thu nhập thấp xin vay vốn

Chủ đầu tư nhà thu nhập thấp xin vay vốn
Hàng loạt dự án nhà thu nhập thấp (NTNT), kể cả của các "ông lớn" như Vinaconex, HUD, Viglacera, đều đề xuất được vay vốn ưu đãi để triển khai. Trong khi đó, NTNT ở nhiều dự án,"ế" không bán được.
Chủ đầu tư nhà thu nhập thấp xin vay vốn ảnh 1

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, dự án NTNT CT02 khu tái định cư Kiến Hưng (Hà Đông) do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư đã thi công cả 3 tòa nhà. Quy mô 864 căn (84.000m2 sàn), tổng mức đầu tư 565 tỷ đồng. Công ty đã ký hợp đồng mua bán hết 864 căn với khách hàng. Để bảo đảm tiến độ dự án, chủ đầu tư đề xuất vay vốn năm 2012 khoảng 300 tỷ đồng.

Dự án NTNT ô CT3, CT4 khu đô thị (KĐT) Kim Chung (Đông Anh) do Tổng Công ty Handico làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ khởi công cuối năm 2012, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, diện tích sàn xây dựng 140.000m2. Chủ đầu tư đang GPMB cũng kiến nghị nhu cầu vay vốn năm 2012 là 30 tỷ đồng.

Tương tự, dự án NTNT lô đất NO10A và NO12-3 KĐT Sài Đồng do Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội đã khởi công, xây dựng, với quy mô 420 căn, đề xuất vay vốn 100 tỷ đồng/tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng.

Trong khi, dự án trên lô đất NO11A và NO12-2 do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư đề xuất vay 180 tỷ đồng vốn năm 2012 tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng. Kể cả các "ông lớn" như HUD, Viglacera cũng không ngoại lệ, chẳng hạn dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh) có quy mô 1.456 căn, tổng mức đầu tư 811 tỷ đồng, HUD đề xuất vay vốn năm 2012 là 100 tỷ đồng, đồng thời cho điều chỉnh công năng, phương án kiến trúc để bảo đảm hiệu quả kinh tế. Dự án tại lô đất NO5B và NO10B-KĐT Đặng Xá (Gia Lâm), dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2012, chủ đầu tư Viglacera đề xuất vay 100 tỷ đồng...

Không chỉ có nhu cầu về vốn, một số dự án đang đứng trước tình trạng ế ẩm. Dự án Đặng Xá của Viglacera có quy mô 946 căn, sau nhiều lần thông báo, chủ đầu tư đã tiếp nhận 1.076 hồ sơ mua nhà hợp lệ, tuy nhiên mới ký hợp đồng mua bán 650 căn hộ với khách hàng.

Dự án Sài Đồng của Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 có 420 căn, song đến thời điểm này mới ký hợp đồng 314 căn.

Dự án Sài Đồng do Công ty CP Xây dựng số 3 làm chủ đầu tư có 420 căn, mới ký hợp đồng mua bán 280 căn. Số lượng căn hộ chưa ký hợp đồng mua bán, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất TP chấp thuận giới thiệu Bộ Công an hướng dẫn cán bộ, chiến sỹ đủ tiêu chuẩn mua nhà thu nhập thấp đăng ký.

Về việc đầu tư xây dựng NTNT, nhà xã hội, bà Tô Thị Hạnh, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội ví đây là loại hình đầu tư tiền chẵn thu về tiền lẻ. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ mạnh của Nhà nước, nhà đầu tư sẽ dè dặt.

Chủ đầu tư nhà thu nhập thấp xin vay vốn ảnh 2

Về góc độ Quỹ Đầu tư, bà Hạnh cho rằng, vấn đề không phải là khách hàng vay nhiều hay ít mà là nguồn chi trả như thế nào. Một số dự án làm ra không bán hay cho thuê được, "thậm chí 10% định mức lợi nhuận cũng sẽ trở thành vô nghĩa.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi lại đặt vấn đề, tại sao dự án nào chủ đầu tư cũng đề nghị vay vốn. Có nơi như dự án Đại Mỗ (Từ Liêm) của Viglacera, tổng mức đầu tư có 96 tỷ đồng, chủ đầu tư đề xuất vay tới 58 tỷ đồng. Sở Xây dựng phải xem xét năng lực của nhà đầu tư, cân đối trên cơ sở quy định nhà đầu tư phải có 20% vốn, rồi thời điểm được bán nhà, huy động vốn của khách hàng. Nếu nhà đầu tư chỉ có máy móc, thiết bị, dự án triển khai được hay không phụ thuộc vào vốn vay thì mất hết cả ý nghĩa của dự án...

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, không có nhà đầu tư nào đăng ký xây dựng quỹ nhà ở cho thuê, thuê mua do không có nguồn vốn ưu đãi, dài hạn và có nhiều rủi ro vì quá trình thu hồi vốn kéo dài.

Trong khi giá NTNT, tiến độ đóng tiền dự án đang vượt quá khả năng chi trả của đối tượng thu nhập thập do chưa có chính sách tài chính hỗ trợ người mua và chưa có tiêu chuẩn chung cho NTNT. Vì vậy, Sở Xây dựng đề xuất tìm nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn; bố trí nguồn vốn ngân sách phát triển quỹ nhà cho thuê, hoặc có cơ chế chính sách hỗ trợ nhà đầu tư loại hình nhà ở này.

Theo Khánh Khoa
HNO

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.