Chuyên gia: Không nên lấn bờ biển có giá trị du lịch, sinh thái

Ảnh minh họa: Nguồn: TTXVN.
Ảnh minh họa: Nguồn: TTXVN.
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho biết, không phải bờ biển nào cũng cho lấn. Với những bờ biển có giá trị về du lịch, sinh thái không nên lấn biển và chỉ lấn những bờ biền không có giá trị.

Theo ông Lân, trên thế giới, việc lấn biển là bình thường, khi các đô thị trở nên chật chội thì việc tạo ra những vùng đất mới và thậm chí là những ngôi nhà nổi đang trở nên kinh tế hơn. Ví dụ như: Đảo quốc Singapore đã bồi thêm được 22% diện tích trong suốt 50 năm qua bằng cách lấn ra vùng biển xung quanh và sử dụng đất, cát, đá ở mỏ, mua từ nơi khác về. Việc hăng hái bồi đắp, cải tạo như vậy đã khiến Singapore trở thành nước nhập khẩu cát lớn nhất thế giới. Còn Dubai có lẽ là nơi có diện tích đất tạo thêm nổi tiếng nhất. Quần đảo Palm Jumeirah với cảnh quan ngoạn mục và hoàn toàn nhân tạo của Dubai, nơi phô trương sự xa xỉ, được xây dựng từ khoảng 110 triệu m3 cát nạo vét đáy biển.

Tuy nhiên, ông Lân cho rằng, tại Việt Nam, các công trình lấn biển không lo ngại về an toàn vì đều có những biện pháp kỹ thuật nhưng lấn biển ở vùng nào phải xem xét cụ thể. Để phát triển bền vững vùng ven bờ cần huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư xung quanh, cũng như các nhà quy hoạch, môi trường, sinh thái học và tổ chức xã hội....

Bên cạnh đó, ông Lân băn khoăn việc xây dựng các công trình lấn biển như vậy sẽ có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển. “Chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về những tác động của việc mở rộng các đô thị ra biển. Ngay cả nhiều công trình xây dựng nhỏ ở ven biển cũng có tác động. Trên thế giới cũng đã chỉ ra, một số cửa sông ở Úc, Mỹ và châu Âu đã có hơn 50% đường bờ biển tự nhiên bị thay đổi vì các công trình nhân tạo”, ông Lân nói.

Theo ông Lân, thực tế là phát triển đô thị không còn là một vấn đề trên đất liền. Nó gây nên sự hỗn độn cho các sinh vật biển và môi trường sống, phá hủy các rạn san hô vốn là nguồn nuôi dưỡng các sinh vật biển và là kết cấu bảo vệ các vùng ven biển khỏi những tác động khắc nghiệt của sóng, làm mất đi sự ổn định của nhiều hệ sinh thái quý giá ven biển như là cánh đồng muối và rừng ngập mặn

Ông Lân cho rằng, cơ quan chức năng phải có giải pháp cho việc lấn biển. Cụ thể, các tỉnh, TP ven biển cần sớm ban hành quy hoạch vùng bờ, hành lang biển, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ; Xem xét đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của từng hoạt động, công trình lấn biển, huy động sự tham gia góp ý và đánh giá của cộng đồng, các bên liên quan; Hàng năm kiểm kê, thống kê hiện trạng tài nguyên môi trường vùng ven bờ, hải đảo, lập các bản đồ về sinh vật ven bờ; Dự báo biến động môi trường biển trong bối cảnh dài hạn có tính đến tác động của các kịch bản lấn biển; Xây dựng mạng lưới thành phố môi trường ASEAN như TP. Đà Nẵng...; Huy động xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái ven bờ của các cá nhân, tổ chức xã hội liên quan…

Được biết, dự án lấn biển quay lại trong ý tưởng điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2.000) ở phía đông đường Trần Phú, vừa được người của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) thuyết trình tại UBND tỉnh Khánh Hòa chiều 13/4..

Ý tưởng này đề xuất lấn biển Nha Trang ở nhiều khu vực trên toàn tuyến gần 20km đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng.

Trong đó có ba khu vực đáng quan tâm nhất là đầu cầu Trần Phú (làm cụm công trình lấn biển tạo điểm nhấn), quảng trường trung tâm (biến thành quảng trường đa năng), khu Phù Đổng - Ana Mandara (làm khu tổ hợp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cao cấp).

MỚI - NÓNG