Đề xuất giao 3,2 ha 'đất vàng' xây sân Hàng Đẫy: Vì sao không đấu giá?

SVĐ Hàng Đẫy hiện nay. Ảnh: Duy Phạm
SVĐ Hàng Đẫy hiện nay. Ảnh: Duy Phạm
TP - Với tổng mức đầu tư 6.309 tỷ đồng, sân vận động (SVĐ) Hàng Đẫy hứa hẹn không chỉ trở thành SVĐ mang tầm quốc gia mà còn trở thành tổ hợp giải trí, thương mại, vui chơi sầm uất ngay trung tâm Hà Nội. Tuy vậy, đó là kỳ vọng của bên đề xuất dự án. Đã có những lo ngại về những vấn đề có thể phát sinh.

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra vào năm 2021.

Theo đó, dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, nhà đầu tư tự thu xếp 100% vốn thực hiện dự án. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác và vận hành Tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy trong 50 năm.

Khu vực Hà Nội đề xuất nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng có tổng diện tích 32.158m2, bao gồm khu vực SVĐ Hàng Đẫy diện tích 23.433m2 và phụ cận (nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức diện tích 6.938m2, khu đất của Sở KH&ĐT Hà Nội diện tích 1.787m2).

Theo kế hoạch, SVĐ Hàng Đẫy được xây mới trên khu đất hiện nay. SVĐ mới có sức chứa 20.000 chỗ ngồi, cao 35m, 4 tầng hầm liên thông khu vực lập dự án (2 tầng thương mại dịch vụ, 2 tầng để xe). Khu nhà thi đấu đa năng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, được xây dựng trên ô đất rộng 6.938m2. Công trình cao 8 tầng, 1 tum (khoảng 35m) còn có chức năng kết hợp thương mại với văn phòng.

Đề xuất giao 3,2 ha 'đất vàng' xây sân Hàng Đẫy: Vì sao không đấu giá? ảnh 1 Mô hình thiết kế SVĐ Hàng Đẫy tương lai

Khu vực văn phòng làm việc kết hợp với quảng trường được xây trên ô đất rộng 1.787m2. Công trình này cao 5 tầng (khoảng 23m), tầng 1 làm quảng trường; các tầng khác là khu trưng bày, bảo tàng lưu niệm, văn phòng điều hành và dịch vụ công cộng. Dự kiến tổng mức đầu tư tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy khoảng 6.309 tỷ đồng.

Hiện Hà Nội và chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm khởi công tổ hợp SVĐ Hàng Đẫy, nhằm đáp ứng mục tiêu đến tháng 10/2021 hoàn thành, phục vụ SEA Games 31.

Chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu giá

Đáng chú ý, thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận cơ chế triển khai dự án Tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm I khoản 2 điều 118 Luật Đất đai.

Lý giải về việc này, UBND thành phố Hà Nội cho biết, chủ trương giao doanh nghiệp quản lý, đầu tư khai thác vận hành SVĐ Hàng Đẫy có từ tháng 1/2017. Tháng 5/2017, Bí thư Thành uỷ Hà Nội có buổi làm việc với Tập đoàn T&T về phương án thiết kế SVĐ Hàng Đẫy. Đến ngày 5/9/2017, UBND thành phố Hà Nội có báo cáo trình Thường trực Thành uỷ về đề án đầu tư xây dựng SVĐ Hàng Đẫy. Ngày 23/7/2018, UBND thành phố Hà Nội trình Thường trực Thành uỷ Hà Nội về việc T&T đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao, SVĐ Hàng Đẫy theo hình thức xã hội hoá.

Trước đó, ngày 27/3/2018, Tập đoàn T&T đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Bouygues về việc hợp tác đầu tư dự án với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron.

Về phương án sắp xếp, xử lý tài sản công, UBND Thành phố cho biết, hơn 3,2 ha đất (gồm SVĐ Hàng Đẫy, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, trụ sở Sở KH&ĐT…) đều là đất công, được giao cho một một số cơ quan, đơn vị Nhà nước sử dụng, quản lý. Nếu thực hiện dự án Tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy thì sẽ phải sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định. Theo đó, Hà Nội đề nghị giao hơn 3,2 ha này cho T&T theo phương thức đặc thù, đặc biệt - tức hình thức khác (quy định tại điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP).

UBND thành phố viện dẫn đây là dự án “với mục tiêu hiện đại hoá các cơ sở vật chất phục vụ thể thao tạo ra công trình đồng bộ, hiện đại để đăng cai các sự kiện thể thao khu vực và châu lục, trong bối cảnh Hà Nội được chọn là nơi tổ chức SEA Games 31 vào tháng 10/2021. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều, phải hoàn thành công trình trong khoảng 36 tháng với tiến độ gấp gáp, dự án có tổng vốn đầu tư lớn, dự kiến 6.309 tỷ thuộc lĩnh vực thể dục thể thao là lĩnh vực khuyến khích xã hội hoá (theo quy định tại Nghị định số 69/2008, Nghị định 59/2014), có thời gian thu hồi vốn chậm, kéo dài. Với các lý do nêu trên nên dự án là trường hợp đặc thù, đặc biệt, cần triển khai nhanh nên phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất này được thực hiện theo hình thức khác”. 

MỚI - NÓNG