Doanh nghiệp bất động sản chống dịch Covid-19 với một 'cơ thể' yếu ớt

Doanh nghiệp bất động sản chống dịch Covid-19 với một 'cơ thể' yếu ớt
TPO - Cả năm 2019, doanh nghiệp bất động sản TPHCM chồng chất khó khăn thì bước sang năm 2020, lại phải đối phó với đại dịch Covid-19. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản nói họ đang chống dịch Covid-19 với một “cơ thể” yếu ớt.

Khó chồng khó

Theo thống kê của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), năm 2019 TPHCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư (giảm 24 dự án), 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 64 dự án), 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn (giảm 30 dự án) so với năm 2018.

Đáng quan ngại hơn, hầu hết doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019 đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Con số thống kê cho thấy, 64 doanh nghiệp niêm yết chỉ đạt mức tăng trưởng doanh thu 7% và lợi nhuận sau thuế tăng 11%. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018. Tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018.

Doanh nghiệp bất động sản chống dịch Covid-19 với một 'cơ thể' yếu ớt ảnh 1 Hầu hết doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019 đều có kết quả kinh doanh sụt giảm.

“Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại chịu thêm tác động của dịch cúm Covid-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn. Nếu các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính thì sẽ giúp cho thị trường bất động sản sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, thực tế lại là câu chuyện khác. Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng Địa ốc Xanh cho biết, còn nhiều bất cập khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Đơn cử, Công ty của ông Đực có một dự án khoảng 3.700m2. Ông đóng tiền sử dụng đất là 2.050m2 chứ chưa được đóng hết cho cả dự án. Sau này Sở Tài Nguyên Môi trường TPHCM đề nghị Công ty Địa ốc Xanh đóng luôn phần còn lại nhưng muốn được đóng tiền cũng không phải dễ.

“Đến nay đã 24 tháng trôi qua nhưng công ty vẫn không được đóng tiền. Đây không phải là vấn đề quá khó để hồ sơ bị “ngâm” lâu như vậy. Dự án của tôi đã chuyền đi chuyển lại 2 năm, gửi đơn kêu cứu 4 lần nhưng đến nay vẫn không tiến triển”, ông Đực nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành nói, khi triển khai dự án 2.160 căn hộ nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn vì bị kẹt hồ sơ. Theo phê duyệt, dự án là cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% nhưng hệ số sử dụng đất chỉ được cho là 2.0.  Ông Nghĩa cho rằng công ty mình không làm được vì hệ số 2.0 là lấy hệ số của nhà ở thấp tầng đi áp cho nhà ở cao tầng. Đó là chưa kể đối với nhà ở xã hội được ưu đãi hệ số sử dụng đất thêm 50%, tức là 6.75.

“Hồ sơ chúng tôi trình lên thì bị bác, nói làm sai quy hoạch. Chúng tôi lấy hệ số 2.0 tính ngược lại thì chỉ ra nhà ở 5 tầng, là loại nhà ở thấp tầng. Nhưng nếu làm nhà 5 tầng cũng sai vì khu này là quy hoạch… nhà ở cao tầng. Gần 1 năm rồi chúng tôi không biết làm sao”, ông Nghĩa nói.

Còn bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cho biết, doanh nghiệp có 6 dự án bị ách tắc nhiều tháng qua, gây thiệt hại lớn, nhất là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có quy mô 91ha. Dự án này đã khiến công ty mất 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vay lãi ngân hàng cũng như lãi phải trả cho các đối tác liên doanh.

Chờ dịch đi qua! 

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hàng loạt sàn môi giới bất động sản đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất. Cụ thể, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm.

Cùng với đó, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là những sàn vẫn còn hàng để bán do vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp không mở bán dự án mới.

Doanh nghiệp bất động sản chống dịch Covid-19 với một 'cơ thể' yếu ớt ảnh 2 Thị trường bất động sản khó khăn không chỉ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty địa ốc mà còn cả giấc mơ an cư của người dân.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TPHCM nhận định, dịch Covid-19 làm suy yếu triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam, gây tổn thất tới mọi loại hình sản phẩm. Phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, sau đó tới văn phòng và bất động sản công nghiệp. Từ sau Tết Nguyên đán đến đầu tháng 3, nhiều chủ đầu tư và cả những công ty môi giới buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người, hạn chế các sự kiện trong lúc dịch bệnh bùng phát.

Nhận định về thị trường bất động sản 2020, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao, Trưởng bộ phận, Nghiên cứu thị trường của CBRE nói rằng, một khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng lúc, điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về thị phần để tìm kiếm đầu ra trong nửa cuối năm 2020. Hiện nay các nhà đầu tư vào kênh này cũng có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình khiến cho không khí thị trường ảm đạm.

Còn ông Lê Hoàng Châu khẳng định, nếu Chính phủ, bộ ngành và các địa phương không sớm có giải pháp xử lý các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, làm cho giấc mơ tạo lập nhà ở ngày càng xa vời đối với đông đảo người có thu nhập trung bình ở đô thị, nhất là giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, TP thấy khó khăn của các doanh nghiệp nên đã bàn họp với các sở ngành và nhận thấy 3 vướng mắc chính. Một là vướng về luật pháp, hai là vướng về nhận thức và ba là vướng về vận hành. Theo ông Hoan, TPHCM có 2 việc cần làm ngay. Một là những việc của TPHCM thì sẽ triển khai làm ngay. Hai là những loại việc không thuộc thẩm quyền thì sẽ báo cáo Trung ương, xin ý kiến chỉ đạo để làm.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, các sở ngành phải thấy được rằng sự vất vả, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là sự vất vả của TPHCM. Doanh nghiệp gặp khó khăn sở ban ngành phải chia sẻ, gặp khó khăn không nên càng tạo khó khăn tiếp. Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành phải tập trung trả lời cụ thể những vướng mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn tháo gỡ để triển khai dự án.

MỚI - NÓNG