Đua nhau chiếm đất lâm trường

Đua nhau chiếm đất lâm trường
TP - Mùa trồng rừng tại TT-Huế lại bắt đầu. Đây là thời điểm các lực lượng chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương căng mình ngăn chặn, xử lý tình trạng ồ ạt lấn chiếm, tái xâm hại đất lâm nghiệp vùng thượng nguồn sông Hương, chủ yếu thuộc quản lý của Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong (tên cũ là Lâm trường Tiền Phong).

> Lấn chiếm đất rừng, tám cán bộ bị kỷ luật
> Phá rừng, bán đất trái phép

Hết lấn, đến chiếm

Theo UBND thị xã Hương Trà, tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp vùng thượng nguồn sông Hương, chủ yếu thuộc địa bàn xã Hương Thọ, do Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong (xin gọi tắt là Cty Lâm nghiệp Tiền Phong) quản lý, sử dụng đã kéo dài từ 10 năm nay; diễn biến rất phức tạp, gia tăng về số vụ và quy mô diện tích.

Đặc biệt, thời gian gần đây, cứ đến mùa trồng rừng kinh tế, hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đất lâm nghiệp của nhiều hộ dân xã Hương Thọ càng diễn ra công khai, liên tục, thách thức lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.

Ban đầu, người dân lợi dụng những vị trí đất trống nhỏ lẻ ven khe suối, hoặc nơi có độ dốc cao, xa các trạm bảo vệ rừng để trồng chen cây lâm nghiệp, sau đó xâm canh rộng ra các khu vực đất công.

Do không được xử lý nghiêm, dứt điểm, người dân chuyển sang chiếm dụng công khai đất rừng trên quy mô lớn do nhà nước quản lý, ngay sau khi cây trồng lâu năm vừa được thanh lý.

Đơn cử là vụ ồ ạt “đổ bộ” chiếm dụng đất rừng trên diện rộng vừa xảy ra tại tiểu khu 124 thuộc địa bàn thôn Định Môn (xã Hương Thọ).

Ngay sau khi Cty Lâm nghiệp Tiền Phong tổ chức thanh lý gần 10 ha rừng keo đến chu kỳ khai thác và chuẩn bị trồng mới tại địa bàn trên, 10 hộ dân ở Định Môn đổ xô đi mua cây giống, nhanh chóng tập kết vào núi, tổ chức thuê người đào hố, đánh dấu lãnh thổ riêng, chiếm dụng trái phép đất công.

Khi bị tiêu hủy số cây trồng trái phép trên đất công, người dân còn chặn xe ô tô của đoàn kiểm tra đòi bồi thường tài sản, vì cho rằng chủ rừng cưỡng chế cây giống trái nguyên tắc.

Tiểu khu 124 cũng là điểm nóng về tái lấn chiếm đất công để trồng rừng kinh tế trái phép của nhiều hộ dân xã Hương Thọ.

Theo thống kê sơ bộ từ năm 2004 đến nay, tại tiểu khu này có hơn 160 trường hợp hộ dân lấn, chiếm đất công, với tổng diện tích khoảng 140ha. Không riêng khu vực kể trên, tại tiểu khu 125 cũng có 3 vị trí bị lấn chiếm xảy ra trong năm 2012, chủ yếu trên diện tích đất chưa có rừng.

UBND xã Hương Thọ hiện tổ chức lực lượng kiểm tra, làm rõ các đối tượng vi phạm để có biện pháp xử lý hành chính, răn đe, chấn chỉnh sai phạm.

Ngoài lấn, chiếm đất công để trồng rừng trái phép, người dân còn ngang nhiên xây nhà bê tông kiên cố trên phạm vi do Cty Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý.

Mặc dù cán bộ công ty tổ chức kiểm tra, lập biên bản đình chỉ xây dựng, người dân vẫn không chấp hành, lén lút hoàn chỉnh công trình.

Bất lực?

Vi phạm dai dẳng, mức độ sai phạm ngày càng gia tăng, nhưng chủ rừng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế hiện chưa có biện pháp xử lý, thu hồi triệt để trên 100ha đất công bị xâm chiếm, sử dụng trái phép qua nhiều năm tại địa bàn Hương Thọ.

UBND thị xã Hương Trà cho biết, riêng trong năm 2012, tại xã Hương Thọ xảy ra thêm 20 vụ lấn, chiếm đất rừng, chủ yếu thuộc quản lý của Cty Lâm nghiệp Tiền Phong; trong đó, có đến 10 vụ chiếm đất, 6 vụ tái lấn chiếm.

Theo ông Tôn Thất Ái Tín, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Tiền Phong, với tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra nhiều năm, có rất nhiều hộ vi phạm, nên muốn xử lý thu hồi đất dứt điểm cần phải có lộ trình hợp lý.

“Chúng tôi luôn xác định người dân là thành phần tham gia phát triển, bảo vệ rừng cùng với đơn vị, chứ không xem họ là đối tượng phải xử lý. Do đó, đơn vị cũng đã tính đến phương án phối hợp chính quyền tiếp tục rà soát quy hoạch, giao lại đất cho dân sử dụng vì mục đích sinh kế”, ông Tín nói.

Còn Chủ tịch UBND xã Hương Thọ Mai Văn Xuân cho biết: “Không có chuyện chúng tôi sẽ hợp thức hóa thủ tục cấp đất lấn chiếm cho dân vi phạm. Trước mắt, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động dân không tái lấn chiếm. Muốn xử lý, thu hồi cần phải có thời gian kiểm tra, rà soát cụ thể; vì tất cả diện tích đất lâm nghiệp bị dân chiếm dụng trước đây hiện đã phủ kín cây trồng. Chính quyền sẽ buộc dân cam kết trả lại đất cho nhà nước sau khi kết thúc một chu kỳ trồng rừng trên đất lấn chiếm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG