Dừng dự án BĐS, nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng

Dừng dự án BĐS, nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng
Thị trường đang dư cung rất lớn, hoãn các dự án để cơ cấu lại là cần thiết. Nhưng phía ngân hàng lo ngại với những dự án bị dừng mà đang vay ngân hàng, chưa biết bao giờ triển khai lại thì sẽ ứng xử thế nào, bởi nguy cơ sẽ tăng nợ xấu…

Tại buổi đối thoại của Bộ Xây dựng với các doanh nghiệp ngành xây dựng - bất động sản (BĐS) khu vực Hà Nội nhằm giải cứu thị trường BĐS diễn ra chiều qua (25/10), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội chính là trợ giúp của nhà nước với thị trường BĐS vì nhà ở thương mại phải nộp tiền sử dụng đất, còn nhà ở xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải quyết liệt, chuyên nghiệp trong cơ cấu lại sản phẩm.

Cụ thể, đối với dự án đã đầu tư hạ tầng thì cần điều chỉnh dự án, để tăng cơ cấu nhà ở xã hội, không phải là 20% nữa mà là 100% nhà ở xã hội. Bộ trưởng cho rằng, để làm được việc này rất cần chính quyền, các ngành phải cùng vào cuộc. Điều chỉnh dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là “gốc” để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhưng cần điều chỉnh thật nhanh, nếu để 1 năm mới điều chỉnh xong dự án, đi lại nhiều lần, thì doanh nghiệp còn khó khăn hơn.

Hiện nay, những căn hộ đang “ế” thì xem xét cân nhắc, cho phép điều chỉnh, chia nhỏ căn hộ. Thị trường phải hướng vào người tiêu dùng. Người dân đang cần những căn hộ có diện tích vừa phải, giá vừa phải.

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Hà Nội ước tính có khoảng 20.000 ha đất giao cho dự án nhưng hiện triển khai còn ít. Trong đó, những dự án chưa GPMB không phải là công trình bức thiết như công nghiệp, hạ tầng… mà chỉ là dự án nhà ở thì cần dừng lại, không tiếp tục GPMB.

Tuy nhiên, dừng dự án không có nghĩa là thu hồi dự án. Doanh nghiệp có được mảnh đất cũng rất vất vả. Với dự án đã GPMB nhưng chưa san nền, nếu rơi vào dự án nhà ở, bất động sản thì cũng cần dừng lại. Ở đây, cần có cơ chế bắt buộc doanh nghiệp không được để đất bỏ không, chống lãng phí đất đai. Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực khác nhưng chưa đưa vào bất động sản.

Cần “ứng xử” thế nào với kế hoạch dừng dự án?

Tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch hiệp hội bất động sản Hải Phòng đã thẳng thắn chỉ ra 3 yếu tố khiến giá BĐS bị đẩy lên cao một cách bất thường là: chi phí cho ngân hàng, chi phí GPMB và giá trị quyền sử dụng đất.

Thực tế, ngân hàng có chính sách cho vay nhưng để vay được rất khó. Không chủ đầu tư nào không vay, không nợ nhưng nếu không được bơm thêm tiền để hoàn thành dự án thì các khoản nợ sẽ thành nợ xấu.

“Các chủ đầu tư đang thiếu thông tin tổng quát đối với thị trường. Cần phải quy hoạch lại, khu nào làm cao cấp, khu nào làm bình dân, tất cả cần thiết phải nằm trong quy hoạch tổng thể của đô thị, chứ không phải theo ý kiến của nhà đầu tư.” - ông Thành nói.

Nhưng việc quy hoạch lại, dừng hay điều chỉnh các dự án hiện có đang đặt ra rất nhiều vấn đề.

Về phía doanh nghiệp, ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex cho rằng nếu muốn giải quyết nhà “ế” thì nên thiên về biện pháp tăng cầu, ngân hàng nên mạnh dạn có cơ chế để người có nhu cầu mua nhà vay tiền. Hạn chế cung mà tăng cầu thì cung - cầu sẽ có cơ hội gặp nhau.

Còn về điều chỉnh dự án, ông Phong bày tỏ lo ngại, tiến độ thực hiện các thủ tục phải nhanh, nếu cả năm mới xong thủ tục thì thị trường đã chuyển sang hướng khác.

Hơn thế nữa, bản thân phía ngân hàng cũng không cảm thấy an tâm đối với kế hoạch dừng, hoãn, điều chỉnh dự án.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, vụ trưởng vụ tín dụng NHNN lại băn khoăn: “Thị trường đang dư cung rất lớn, giãn, hoãn các dự án, cơ cấu lại rổ hàng hóa là cần thiết. Tuy nhiên, trong việc phân định lại dự án, đối với những dự án thuộc nhóm phải dừng nhưng đang có vốn vay ngân hàng, chưa biết bao giờ triển khai lại sẽ ứng xử thế nào, nếu không ngân hàng sẽ bị tăng nợ xấu?”

Theo Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG