Hà Nội: 20 triệu m2 đất công chưa được xử lý

Hà Nội: 20 triệu m2 đất công chưa được xử lý
TP - Tại Hội nghị triển khai thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Hà Nội diễn ra ngày 29/5, theo đánh giá của cơ quan chức năng việc xử lý rất chậm, thiếu quyết liệt. Trong khi tình trạng vi phạm quản lý, sử dụng đất, tài sản công đang diễn ra tràn lan.

> Đấu tranh với quan thôn, quan xã
> Phạt tù vợ chồng Phó Bí thư xã phá rừng

Ì ạch xử lý nhà đất công

Theo đánh giá của Sở Tài chính Hà Nội về kết quả thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) trên địa bàn thành phố năm 2012 cho thấy việc triển khai còn chậm. Trong đó khối các đơn vị, cơ quan thuộc Trung ương quản lý tiến độ triển khai nhanh hơn còn các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp thuộc thành phố quản lý thì ì ạch.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2012, khối các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương quản lý đã có 20 bộ, ngành và cơ quan đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội và 16 tổng công ty nhà nước có báo cáo kê khai với 1.527 cơ sở nhà đất. Trong số này đã xử lý, sắp xếp được 1.147 cơ sở/2.307 cơ sở nhà đất. Năm 2012 cũng đã phê duyệt được 222 phương án nhưng so với số cơ sở phải sắp xếp, xử lý còn lại 1.160 cơ sở, có nghĩa con số còn lại rất lớn.

Đối với khối các sở, ban, ngành, quận, huyện; doanh nghiệp nhà nước thuộc TP Hà Nội quản lý còn 9 sở, ban, ngành và 4 quận, huyện, thị xã chưa lập phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất của đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc quản lý, sử dụng.

Cụ thể, tổng số cơ sở nhà đất phải kê khai là 7.772 nhưng tính đến 31/12/2012 mới có tổng 48/94 sở, ban ngành, doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố có quyết định phê duyệt phương án với tổng số 1.112 cơ sở nhà, đất. Con số này chỉ mới đạt 13% tổng số cơ sở nhà đất phải kê khai với diện tích hàng triệu m2 (8.743.779m2 đất và 1.608.946m2 nhà).

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý Công sản (Bộ Tài chính), tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Hà Nội còn chậm. Ở TP Hồ Chí Minh, tính cả khối trung ương và địa phương đã phê duyệt phương án tới 93-94%.

Kinh phí thu được qua chuyển mục đích sử dụng nhà đất của cả nước là 30.000 tỷ đồng thì riêng TP Hồ Chí Minh đã đạt hơn 50% còn Hà Nội mới đạt tỷ lệ rất thấp, với 3.600 tỷ đồng đối với khối trung ương; 783 tỷ đồng đối với khối địa phương.

Kê khai chậm, sai phạm tràn lan

Đánh giá về nguyên nhân chậm trễ, ông Phạm Công Bình, Phó giám đốc Sở Tài chính thẳng thắn nhìn nhận, do khối lượng cơ sở nhà đất các cơ quan rất lớn, hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, hồ sơ, giấy tờ pháp lý không đầy đủ cộng thêm thực trạng quản lý còn lãng phí, không đúng mục đích, bị buông lỏng trong thời gian dài. Nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp còn sử dụng nhà đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở không đúng quy định; để hoang hóa, không sử dụng, bị lấn chiếm.

Việc quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất thuộc SHNN gắn liền với quyền lợi cục bộ của các đơn vị dẫn đến chậm trễ trong việc lên phương án. Không ít cơ sở nhà đất doanh nghiệp đang cho tổ chức, cá nhân thuê dài hạn, có trường hợp bên thuê nhà đã đầu tư cải tạo thành những công trình kiên cố dẫn đến vướng mắc khi thu hồi, giải phóng mặt bằng để bán đấu giá.

“Trong số nhà đất chậm kê khai hay vi phạm trong quản lý có một phần từ sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Điều này cũng cho thấy nhiều bộ cơ quan đơn vị nhà nước chưa quán triệt tốt Quyết định 09 về sắp xếp, xử lý nhà đất công của Thủ tướng”, đại diện Sở Tài chính nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, việc chậm sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc SHNN ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cấp giấy chứng nhận, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và công tác quản lý đất đai. “Hiện nay tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đối với các đơn vị, cơ quan nhà nước trên địa bàn Hà Nội rất thấp chỉ mới đạt khoảng 38%.

Số còn lại chúng tôi đã nhiều lần thông báo mời người ta đến cấp giấy chứng nhận nhưng có ai chịu đến đâu. Họ không đến bởi các đơn vị, cơ quan này sử dụng đất từ xưa đến nay đã biến động quá nhiều rồi. Trong đó có nhiều đơn vị, cơ quan chia đất ra làm nhà ở cho cán bộ.

Một số thì lấn chiếm đất bỏ không bao nhiêu năm, một số thì xẻ thịt đất công làm việc khác hoặc cho thuê sai mục đích. Nếu đến kê khai để cấp giấy chứng nhận thì lòi ra việc sử dụng sai mục đích nên họ tìm cách khất”, ông Nghĩa cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, để đẩy nhanh việc thực hiện quyết định 09 của Chính phủ, trong năm 2013 thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết dứt điểm việc kê khai hồ sơ nhà đất; kiểm tra hiện trạng sử dụng qua đó chấn chỉnh, xử lý kịp thời những đơn vị sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Tại Hội nghị lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành có liên quan như Sở Tài chính, Sở QH&KT, Sở TN&MT, Sở Xây dựng… phải trả lời, có ý kiến, cung cấp thông tin trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, hồ sơ của các cơ quan đơn vị. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố trong năm 2013.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.