Chung cư - văn hóa và đẳng cấp - Kỳ cuối:

Hạnh phúc trong những ngôi nhà 'cao, cao mãi'

Bể bơi trong nhà - một góc căn penhouse ở chung cư Indochina Plaza Hanoi.
Bể bơi trong nhà - một góc căn penhouse ở chung cư Indochina Plaza Hanoi.
TP - Năm 2002 du lịch Thượng Hải, bà chị Thu Hà (NSƯT) cứ đi giật lùi, có vẻ muốn ngã ngửa, nói với phố Đông phố Tây rằng “Sợ rồi đấy, thua gì New York”.

Thấy buồn cười, và nghĩ bao giờ Hà Nội được một góc của họ. 15 năm vật đổi sao dời, riêng chất lượng xây và sống chung cư ở Hà Nội, nhiều đột phá. Song song đó, khác biệt giàu nghèo càng lớn. Một chủ đề thiên thu: Làm sao sống dễ thở hơn- cả vật chất tinh thần, không chỉ trong căn hộ chung cư.

SUNG SƯỚNG THAY LÀ NHỮNG KẺ CÓ TIỀN...

Năm 2006, một số nhà báo được mời tham quan biệt thự mẫu của khu đô thị Ecopark. Đi về, cả bọn ngất ngây: “Bao giờ cho đến bao giờ” (được sở hữu một căn đơn hoặc song lập). Chị Minh Tâm báo Quân Đội bảo: Tuyệt thật nhưng biết đến lúc nào mới có bún miến cháo phở mà xơi (tức là các tiện ích như ở Hà Nội phố).

Chưa đầy chục năm, Ecopark đã trở thành khu đô thị sinh thái đúng nghĩa và tiện ích, biến những nơi như Phú Mỹ Hưng (TPHCM) thành lạc hậu. Mỗi tội đường sá còn xa lại chưa chỉnh trang. (Điểm Ecopark trong bài vì dù thuộc Hải Hưng nhưng người Hà Nội sở hữu nó là chính).

Đi trong những khu đô thị như Times City, Mandarin Garden (đường Hoàng Minh Giám), Indochina Plaza Hanoi (đường Xuân Thuỷ)...bây giờ, cảm giác tự hào rằng người Việt ta, dân thủ đô ta rồi cũng được sống ở nơi đáng sống.

Hãy hình dung một khu đô thị kiểu mẫu như Park Hill (giai đoạn 2 của Times City) có những gì trong đó: Sảnh như khách sạn 5 sao, không thích tiếp khách trên nhà thì tiếp ở đó. Ngày mưa không muốn ra khỏi khu nhà có thể ngồi lỳ trên sô-pha với ly cà phê và máy tính, wifi  “căng đét”. Cây ra cây, hoa lá sạch như Singapore. Bể bơi không và có mái che. Quảng trường, nhạc nước, cả lò “hóa vàng” chung cho nhu cầu hương khói. Vân vân.

Chen giữa những sân trượt pa-tanh, khu vui chơi trẻ em, dòng suối nhân tạo..., bỗng chốc hiện ra một khoảnh sân vườn hoa lá chẳng đặt để gì trên đó, chỉ để lan tỏa màu xanh ra chung quanh và cho mắt được “nghỉ”.Từ chiếc ghế công cộng, hộp thư riêng cũng có đường nét thiết kế khá trở lên, và thân thiện môi trường.

Hạnh phúc trong những ngôi nhà 'cao, cao mãi' ảnh 1 Mong Hà Nội không còn những chung cư như thế này  (khu tập thể Nguyễn Công Trứ). ảnh: VI KHANH.

Khu đô thị Mulberry Lane có cả phòng đọc sách cho cư dân. Còn giai thoại về biệt thự ven các hồ nội ngoại thành Hà Nội thì càng nghe càng... xốn xang.

Như đã nói ở kỳ đầu của loạt bài, 5 năm lại đây văn hóa chung cư và chất lượng chung cư từng phân khúc đã gần hơn với tên gọi của nó. Không thể khác bởi đó là yêu cầu của thị trường- không trung thực và nỗ lực thì khó bán. Tư duy của nhà quản lý, nhà đầu tư đã thay đổi nhiều, hẳn do học nước ngoài. Nhất là khu vực chung cư cao cấp, được đầu tư rất lớn không chỉ hạ tầng, thiết kế, trang thiết bị, mà cả môi trường cảnh quan đáng sống, nhân văn.

Thật sung sướng thay cho những người dân có cuộc sống đẳng cấp cao như vậy. Chục năm trước, có tiền cũng đâu mua được.

Tuy nhiên, ở đời, người ta khó bằng lòng lắm. Vì nhiều lựa chọn quá, hoặc khó tính như ma (như mình đây), hoặc chọn rất kỹ món ăn rồi lại ngồi nhìn sang bàn bên cạnh.

Điểm một chút về sự khó:

Đến Times City chơi với nhà văn Hồ Anh Thái, tôi và nhà văn Lê Minh Khuê hay bị anh rủ rê bán nhà mua một căn ở đây đi, cho con cái có chỗ chơi và học hành thuận lợi. Nhưng tôi thuộc loại “đẻ vào giờ quên chìa khóa và điện thoại”, nên cứ là phải ở gần cơ quan.

Vả lại “làng Vũ Đại” (như dân cư tự trào-Times City nghĩa là Thành phố Thời Đại) bị những  người “khó tính như ma” trên kia nhận định: Sang trọng thật đấy nhưng như ốc đảo, còn thì bao quanh đó- từ đường sá, địa thế, dân trí thì vẫn đai đẳng “bang Ca-li-phoóc-ni-Mơ” thôi. (“Bang” này có chợ Mơ nổi tiếng).

Thành phố Hoàng Gia (Royal City) bị dân “Hà Nội 1” chê là ở mãi “Ngã Tư Khổ”, mật độ xây dựng lớn lại ít màu xanh, dễ gây tắc đường. Tầng hầm để xe như mê hồn trận, dễ gây hoảng loạn cho ai không giỏi định vị.

Những nơi như Mulberry Lane  ở Mỗ Lao (Tôi bị lao) hoặc Làng Việt kiều châu Âu- thuộc Hà Đông cũ, dù xịn và đều có bàn tay nước ngoài hợp tác đầu tư, song cũng bị dân “Hà Nội phố” chê xa trung tâm, chê đường đến đó- Nguyễn Trãi, lầm bụi. Họ quen thói bước khỏi cửa là đến nhà hát, tụ điểm văn hóa, chốn họp hành ở cơ quan quan trọng, nhà hàng- khách sạn nổi tiếng...

Ecopark, ai đến mà chả tương tư. Nhưng lại có trường phái cho rằng: Sung sướng trên đau khổ của người khác thì sung sướng làm gì. (Đau khổ “mất đất” của nông dân Hưng Yên).

“Sống nhà chết mồ”. Cuối cùng, vẫn không đơn giản để có một chốn dung thân mỹ mãn.

Lâu không gặp, tôi hỏi thăm Sơn, một trong các thầy giáo ở Viện Đại học Mở Hà Nội sở hữu một ít đất đai ở Sóc Sơn từ năm 2000: Tình hình thu gom đồn điền của các đại địa chủ thế nào? Anh đối đáp: Ăn thua gì, cả sào đất giá không bằng chỗ để giày của nhà báo! (Ở trung tâm quận Ba Đình). Ngoa ngôn ngụy ngữ thế đấy.

Đúng là, như đã chỉ ra trên kia, Hà Nội có những người “một khi đã ở trung tâm là không đi đâu được nữa”- ví dụ giai phố cổ Nguyễn Việt Hà (nhà văn), Lê Thiết Cương (họa sĩ).  

“Location, location and location” (vị trí, vị trí và vị trí) là câu thần chú nổi tiếng trong kinh doanh và hưởng thụ bất động sản. Chỉ vị trí là quan trọng!Thế mà mười mấy năm trước, rủ nhau nhanh chân đăng ký được một suất ở Pacific 83 Lý Thường Kiệt rồi, tôi và đồng bọn còn ra vẻ kèo nhèo: Giá nó ở đoạn đầu Lý Thường Kiệt chứ không phải đoạn cuối thế này. Đúng là tham vô đáy, chẳng biết tự bằng lòng là gì.

Ngược lại, tỏ ra xuề xòa cũng ăn mắng: “Bao năm phong kiến thực dân đô hộ nên giờ chỉ cần có cơm ăn áo mặc nhà ở cả ngày là thỏa mãn bần cố nông lắm rồi đúng không?!”.

Có câu cách ngôn mới thế này, rõ duyên: “Thà giàu có mà sung sướng còn hơn nghèo hèn mà đau khổ”.
William Shakespeare vĩ đại thì nói: “Có những đức chỉ thực hiện được khi người ta giàu”. Nghèo quá thì có khi muốn tốt cũng khó.
Song, ta vẫn nói, có tiền không có nghĩa là có tất cả. Sống ở chung cư, càng thấy như vậy.

Làm sao để dung hòa giữa nhu cầu và khả năng, giữa khát vọng cao vời và sự “biết đủ”. Làm sao bớt “vụng dại trong trình độ làm người” để có được văn hóa và nghệ thuật sống vui, sống hạnh phúc trước khi quá muộn.

SUNG SƯỚNG HƠN NỮA LÀ KẺ KHÔNG CHỈ CÓ TIỀN...

Văn hóa chung cư, văn minh sống chung cư là thứ có “nền” rồi, vẫn phải để ý học. Từ chuyện nhỏ nhất: Ở chung cư cao cấp, bước khỏi cửa là cộng đồng rồi, anh chị ít ra cũng phải vận chiếc áo tươm tươm một chút, quần vừa mắt chút, đừng quá thiếu vải hoặc nhàu nhò. Hút thuốc ra ban công nhà mình đứng hút, chứ phì phèo chỗ cấm thì lôi thôi với bảo vệ.

Trong cuốn sách sắp ra, nhà văn Hồ Anh Thái tung nhiều chi tiết sinh động về cuộc sống chung cư, có vẻ tả chính Times City anh mới mua. Anh tả từ cuộc mổ bò trong họp dân phố, tả bà nọ lần nào mua kem cho cháu cũng vừa đi vào thang máy vừa cho ăn mà không đưa tay hứng đón gì, để kem nhỏ tong tong xuống sàn. Vân vân.

Tôi thì chứng kiến nhiều rồi, những ông bà bố mẹ thản nhiên cho cháu nhỏ vô tư dện giày dép bẩn chạy nhảy trên sô pha rõ “nuột” của sảnh sinh hoạt chung. Lắm nàng giúp việc có cái thú cho trẻ ăn cháo trong thang máy, bấm lên bấm xuống mấy chục bận mới xơi hết bát cháo, chết tiền điện mà thang thì nồng vị. Chung cư cỡ nhỏ cũng hay có cảnh bà con đứng ở tầng 1 vô tư gọi với lên tầng cao tít mà dặn dò người nhà, dặn đến đâu hàng xóm các tầng tỏ tường đến đấy.

Bạn tôi sống trong chung cư Hoàng Anh Gia Lai ở TPHCM, thiết kế rác các nhà đổ vào đường ống chung trong nhà. Bạn sợ nhất ai đó không bỏ rác vào túi mà   cứ thế thảy vào đường ống, nặng mùi. Sợ có người vô ý để tàn lửa, đốm lửa trong túi rác.

Ở chung cư nọ thuộc quận Nam Từ Liêm, có chị còn sáng kiến đập tay vào bình chữa cháy để kêu gọi biểu tình chống CĐT cho nó ấn tượng (mọi người tưởng có cháy bèn túa ra lập tức). Dân mình đa số hồn nhiên, lơ tơ mơ về luật lắm. Cũng chung cư này, trong một cuộc đối thoại giữa CĐT và ban quản trị (BQT) nhằm giải quyết khúc mắc kéo dài, BQT đòi chia sẻ phần diện tích mặt đất theo tỉ lệ chung cư 60%, CĐT 40% . CĐT trình văn bản chứng minh diện tích này họ được thành phố giao quản lý. Một thành viên BQT là thạc sĩ Luật tỏ ý không phục, nói quyết định này của thành phố “có vấn đề”. Ông Phó Chủ tịch phường đứng về phía dân, quá tốt, tuy nhiên khi CĐT vặn: căn cứ vào đâu, luật nào mà ông khuyên như vậy (giao toàn bộ diện tích mặt đất chung cho BQT và dân), ông trả lời: căn cứ vào tình người, khiến nhà báo chứng kiến cũng phải mỉm cười còn CĐT được dịp “dạy”: “Chúng tôi chẳng sung sướng gì đâu và báo chí đừng lúc nào cũng chỉ biết bênh dân”.

Con số phí bảo trì 2%- “nỗi đau” của không riêng BQT nào, đêm ngày lo đòi cũng phải. Hiến chương thì cứ hiến chương song về phía mình, cũng phải tuân thủ luật chơi. Muốn hạ phí dịch vụ với lý do “chung cư kia giá cũng chỉ có thế”, thì nghe nó trẻ con. (Một chung cư bên kia cầu Chương Dương). Bởi chính mình đã ký tên dưới hợp đồng cơ mà, có ai ép đâu. Hoặc rủ nhau quỵt, không đóng đồng phí dịch vụ nào trong khi hàng ngày vẫn lên xuống thang máy đều đều, sử dụng đều đều các tiện ích khác, thì ai người ta chịu. (Dịch vụ còn bao gồm cả nước sinh hoạt, điện chiếu sáng hành lang, thu gom rác, trông giữ xe, bảo vệ tòa nhà, lương cán bộ kỹ thuật để sửa chữa các công trình chung riêng cho cư dân mỗi khi hỏng hóc...).

Sống và để cho người khác sống (CĐT, BQT, cư dân nói chung). Ngoài ra, sung sướng nhất là những kẻ vừa có tiền vừa có cả những thứ tiền không mua được- đó là văn hóa, sự hiểu biết, nhân văn, quan tâm chia sẻ với cộng đồng... Và thời này, người xây nhà cũng  tự đột phá phải thế nào mới mong “xây cho nhà cao cao cao mãi ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta” (ca từ bài Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu), không chỉ cao cao mãi mà còn đẹp, văn hóa, văn minh. Đặc biệt, trong lòng nó là những công dân hạnh phúc.

MỚI - NÓNG