Hơn 70 công trình xây sai phép, dùng sai công năng

Hơn 70 công trình xây sai phép, dùng sai công năng
Hơn 70 công trình xây dựng ở khu trung tâm TP.HCM được cấp phép từ ngày 1-7-2004 (thời điểm Luật xây dựng có hiệu lực) đến cuối năm 2011 xây vượt tầng, sai thiết kế và sử dụng sai công năng.

> Hoàn thành “cắt ngọn” công trình sai phép trước Tết
> Hà Nội bùng phát xây nhà sai phép

Đây là kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng tại khu trung tâm TP (930ha, gồm quận 1, quận 3, một phần quận 4 và Bình Thạnh, TPHCM). Theo đó, các công trình xây vượt tầng, sai thiết kế tập trung chủ yếu ở quận 1.

Nhiều khách sạn xây vượt tầng

Theo giấy phép xây dựng (GPXD) năm 2004 do Sở Xây dựng cấp, ông Đỗ Ngọc Tuấn được xây khách sạn Hồ Sen bảy tầng tại 4B-4C Thi Sách, Q.1. Thế nhưng, khách sạn này đã xây dựng tầng hầm, tầng trệt và 11 lầu, vượt bốn tầng so với GPXD.

Lúc đó có nhiều khách sạn xây dựng vượt tầng bị Nhà nước phạt, rồi chủ đầu tư xin điều chỉnh GPXD, cho tồn tại nên tôi cũng làm

Lý giải về sai phạm này, ông Đỗ Ngọc Tuấn, chủ đầu tư khách sạn Hồ Sen, cho rằng: “Năm 2005, khi tôi xây khách sạn Hồ Sen, trung tâm TP còn ít khách sạn.

Khi đang xây giữa chừng, tôi thấy cần xây dựng thêm một số tầng nữa mới đủ chỗ sắp xếp như ý muốn. Lúc đó có nhiều khách sạn xây dựng vượt tầng bị Nhà nước phạt, rồi chủ đầu tư xin điều chỉnh GPXD, cho tồn tại nên tôi cũng làm. Các tầng trên tôi xây thụt vô trong...”.

Cuối năm 2005, công trình 8A/A8 Thái Văn Lung (P.Bến Nghé, Q.1) của ông Phạm Việt Dũng được cấp GPXD theo kiểu nhà văn phòng kết hợp nhà ở có quy mô bốn tầng, nhưng hiện công trình này có một hầm, một trệt và bảy lầu, vượt ba tầng rưỡi so với GPXD.

Sở Xây dựng TP còn phát hiện nhiều công trình khác xây dựng từ năm 2006 đến năm 2010 tăng từ một đến hai tầng so với GPXD. Cụ thể, công trình số 4 Cao Bá Quát do ông Nguyễn Văn Đại làm chủ đầu tư, bắt đầu xây từ năm 2006, vượt hai tầng so với GPXD; khách sạn Đức Vượng số 195 Bùi Viện cũng vượt hai tầng so với GPXD...

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TP, trong tổng số 11 công trình xây vượt tầng được phát hiện qua đợt kiểm tra trên, nhiều công trình đã bị xử phạt và cho tồn tại.

Chuyển công năng nhưng không xử lý được?

Cũng theo Sở Xây dựng TP, qua kiểm tra 162 công trình tại khu trung tâm TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, có đến 24 công trình thay đổi toàn bộ công năng so với thiết kế ban đầu, 39 công trình bị thay đổi công năng một phần. Trong đó, nhiều tòa nhà văn phòng được chuyển thành khách sạn, nhà hàng, trường học hoặc căn hộ.

Công trình 208-210 Lê Thánh Tôn (P.Bến Thành, Q.1) được cấp phép là cửa hàng kinh doanh và văn phòng nhưng chủ đầu tư đã cho một đơn vị khác thuê lại toàn bộ tòa nhà để kinh doanh khách sạn, tầng hầm thành văn phòng làm việc, sân thượng biến thành nhà hàng.

Tương tự, các tòa nhà văn phòng 44-46 Phan Bội Châu, 52B Phạm Hồng Thái, 229 Lê Thánh Tôn (đều thuộc P.Bến Thành) được chủ đầu tư cho thuê làm khách sạn...

Tòa nhà văn phòng Endo Vina tại 146 Nguyễn Đình Chiểu do Công ty xây dựng trang trí Việt Quốc làm chủ đầu tư hiện đang được sử dụng làm Trung tâm Anh ngữ Ila.

Đây là công trình được cơ quan chức năng lưu ý nhiều tại các cuộc họp về công năng sử dụng vì thường gây nghẽn xe ở khu vực ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur vào giờ tan học. Tòa nhà 21 Lê Quý Đôn (P.6, Q.3) do ông Nguyễn Đắc Lộc làm chủ đầu tư cũng tự chuyển công năng từ văn phòng thành trường học. Tòa nhà văn phòng 98 Cách Mạng Tháng Tám do doanh nghiệp tư nhân Đức Trường làm chủ đầu tư hiện cũng được sử dụng làm trường học...

Theo một cán bộ Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, việc sử dụng sai công năng ban đầu của công trình có thể làm công trình giảm tuổi thọ, hoặc khi cải tạo cho phù hợp với công năng mới có thể ảnh hưởng đến độ an toàn của công trình...

Theo Sở Xây dựng TP, do thị trường văn phòng và căn hộ cho thuê dư thừa, ế ẩm nên chủ đầu tư đã tự ý chuyển công năng để khai thác, sử dụng cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Sở Xây dựng TP cũng nhận định việc sử dụng sai công năng của công trình làm tác động lớn đến công tác quản lý quy hoạch, tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng...

Tuy nhiên ông Quách Hồng Tuyến - phó giám đốc Sở Xây dựng TP - cho biết nghị định 23 năm 2009 về xử lý vi phạm xây dựng chỉ quy định xử lý hành vi sử dụng sai công năng của nhà công vụ và nhà ở. Còn những công trình khác như nêu trên thì nghị định này không đề cập nên không thể áp dụng và xử lý các chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng sai công năng.

88 công trình đúng thiết kế, công năng

Theo Sở Xây dựng TP, từ ngày 1-7-2004 đến cuối năm 2011, sở đã cấp 284 GPXD công trình tại trung tâm TP. Hiện đã có 162 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, 122 công trình còn lại đang xây dựng hoặc chưa khởi công.

Trong số các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, có 88 công trình xây dựng đúng thiết kế và sử dụng đúng công năng, chiếm tỉ lệ 54,3%; 63 công trình xây dựng đúng thiết kế nhưng sử dụng sai công năng một phần hoặc toàn bộ (39,6%); 11 công trình xây dựng sai thiết kế (6,7%).

Ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP - vừa yêu cầu Sở Xây dựng TP báo cáo rõ việc xử lý vi phạm đối với các chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng, xây dựng công trình sai thiết kế đã được phê duyệt.

Ông Tín cũng giao Sở Xây dựng TP và các sở liên quan, UBND các quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh tiếp tục rà soát, đề xuất UBND TP quyết định chủ trương xử lý chung đối với các công trình xây dựng theo kết quả kiểm tra trên.

Theo Ngọc Hà – Giáng Hương
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG