HoREA: TPHCM đang rất thiếu căn hộ thương mại cỡ nhỏ

Thị trường bất động sản chững lại nhưng khó xảy ra hiện tượng bong bóng.
Thị trường bất động sản chững lại nhưng khó xảy ra hiện tượng bong bóng.
TPO - Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) 10 tháng đầu năm 2017 ở TPHCM có dấu hiệu chững lại, đồng thời đã đưa ra những nhận định về thị trường những tháng cuối năm.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, thị trường BĐS sau giai đoạn đóng băng đã phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng trở lại kể từ cuối năm 2013 đến nay. Năm 2015, thị trường đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nhưng từ năm 2016 đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, xu thế này vẫn tiếp tục diễn ra trong 10 tháng đầu năm 2017. 

Giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu để giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn, sẽ chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường BĐS có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập thấp.

TPHCM đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp, đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị; xây dựng đô thị thông minh... là cơ sở để định hướng phát triển thị trường BĐS trung hạn và dài hạn. 

Cũng theo ông Châu, nhìn toàn cục, thị trường BĐS 9 tháng đầu năm 2017 vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, vẫn giữ được sự phát triển tương đối ổn định, nhưng trong trạng thái chững lại; và vẫn còn dấu hiệu tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng thiếu cân đối sản phẩm nhà ở, lệch pha cung - cầu, nguồn cung NƠXH, căn hộ nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền rất thiếu.

Trong lúc phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có dấu hiệu cung vượt cầu; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào rất lớn, gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp khiến thị trường BĐS chưa phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.

Dự báo 2 tháng cuối năm 2017 đến Tết Mậu Tuất và năm 2018 khó có thể xảy ra “bong bóng” BĐS. Do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước; do các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường; và do các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn. 

Nói cách khác, qua trải nghiệm các đợt khủng hoảng của thị trường BĐS thì các chủ thể đều thông minh hơn: Nhà nước thông minh hơn, chủ đầu tư thông minh hơn, ngân hàng thông minh hơn, người tiêu dùng thông minh hơn.

MỚI - NÓNG