Lập đoàn thanh tra doanh nghiệp vẽ dự án ‘ma’ lừa khách hàng ở Bình Dương

Lập đoàn thanh tra doanh nghiệp vẽ dự án ‘ma’ lừa khách hàng ở Bình Dương
TPO - Cho rằng doanh nghiệp bán đất “ảo” trên giấy không có thật, hàng trăm khách hàng kéo đến trụ sở công ty đòi lại tiền. Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang vào cuộc điều tra theo đơn trình báo của người dân.

Đáng nói, dự án mà khách hàng tố doanh nghiệp lừa đảo này từng bị báo Tiền Phong phản ánh về những dấu hiệu bất thường trong khi triển khai. Lúc bấy giờ, Sở Xây dựng tỉnh này cho biết đang vào cuộc xử lý nhưng sau 2 năm vẫn chưa đưa ra kết luận nào.

Theo đó, những ngày qua, tại trụ sở Công ty địa ốc Bình Dương City Land (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), hàng trămkhách hàng lần lượt kéo đến đề nghị doanh nghiệp giao đất hoặc trả lại tiền kèm đền bù vì thất hứa nhiều năm.

Theo lời khách hàng, Bình Dương City Land bán đất "ảo" trên giấy, thu tiền cọc, tiền đất khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý dự án; nhiều lần hứa hẹn, cam kết giao đất, hoàn trả lại tiền và bồi thường hợp đồng... nhưng không thực hiện.

Lập đoàn thanh tra doanh nghiệp vẽ dự án ‘ma’ lừa khách hàng ở Bình Dương ảnh 1 Trụ sở Công ty địa ốc Bình Dương City Land

Cụ thể, Bình Dương City Land đã giới thiệu và giao dịch nhận tiền mua bán đất với khách hàng tại dự án Green City tọa lạc thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương. “Sau khi nhận thanh toán tiền mua lô đất 100m2 với giá gần 400 triệu vào tháng 7/2019, Bình Dương City Land hứa sau 2 tháng sẽ giao đất. Thế nhưng, đến nay họ vẫn không thực hiện lời hứa, đồng thời trốn tránh gặp chúng tôi”, bà T.P nói.

Trong khi đó, một khách hàng khác của Bình Dương City Land tên N.T cho biết thêm: “Khi công ty đưa bản đồ ra giới thiệu, họ nói rằng pháp lý đầy đủ và khẳng định sẽ bồi thường gấp đôi tiền nếu không thực hiện theo hợp đồng đã ký. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, doanh nghiệp cứ hẹn rồi thất hẹn. Tôi nhiều lần phải bỏ việc để đi đòi đất. Hiện tại, gia đình tôi rất hoang mang vì không biết đến lúc nào mới có đất đã mua từ Bình Dương City Land”.

Lập đoàn thanh tra doanh nghiệp vẽ dự án ‘ma’ lừa khách hàng ở Bình Dương ảnh 2 Khách hàng kéo đến trụ sở Công ty địa ốc Bình Dương City Land đòi lại tiền

Tương tự, ông C.T.G (quê Nghệ An) cho hay, năm 2018 gia đình ông có mua 7 nền đất tại “dự án" Green City 2, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng từ Công ty Bình Dương City Land với giá 350 triệu đồng/nền. Gia đình ông G. đã nộp tiền và ký thỏa thuận đầu tư với người đại diện của Bình Dương City Land.

Theo điều khoản trong thỏa thuận, đến tháng 7/2019 ông G. sẽ được ký hợp đồng công chứng để nhận đất nhưng đến hẹn công ty này liên tục né tránh, không chịu ký hợp đồng. Quá bức xúc, gia đình ông G. đến trụ sở Công ty Bình Dương City Land buộc trả lại tiền. Đến nay, công ty này mới chỉ hoàn trả lại tiền 3 nền đất cho ông G. nhưng không bồi thường lãi suất như cam kết. 

Lập đoàn thanh tra doanh nghiệp vẽ dự án ‘ma’ lừa khách hàng ở Bình Dương ảnh 3 Người dân đến mua đất tại dự án Green City mà báo Tiền Phong từng phản ánh

Theo ghi nhận của PV, khách hàng bắt đầu tìm đến Bình Dương City Land để đòi lại tiền bắt đầu từ cuối năm 2019. Lúc bấy giờ vào cuối năm nên công ty hứa sẽ giải quyết vào đầu năm 2020. Do đó, khách hàng tiếp tục đến đòi tiền theo lời hứa trước Tết. Thế nhưng, một lần nữa Bình Dương City Land tiếp tục hẹn sẽ giải quyết cho khách hàng vào gần cuối năm nay. 

Trước đó, ngày 22/12/2018 báo Tiền Phong có đăng bài phản ánh với tiêu đề “Công ty phát triển địa ốc Bình Dương bán dự án “vịt trời”. Nội dung phản ánh Công ty Địa ốc Bình Dương City Land, lập bản đồ quy hoạch dự án Khu dân cư Green City trên một bãi đất trống tại trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Đơn vị này đã mở bán đất nền và khách hàng đã mua hơn một nữa dự án. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết tại huyện Bàu Bàng không có dự án khu dân cư nói trên.

Lập đoàn thanh tra doanh nghiệp vẽ dự án ‘ma’ lừa khách hàng ở Bình Dương ảnh 4 Dự án chỉ là bãi cỏ hoang nhưng Công ty địa ốc Bình Dương City Land bán và nhận tiền từ khách hàng

Vào thời điểm đó, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, Dự án Khu dân cư Green City mà PV Tiền Phong phản ánh, qua rà soát hồ sơ dự án đầu tư tại đơn vị, không có tên dự án này của Công ty Địa ốc Bình Dương City Land. “Chúng tôi chưa hề nghe thấy tại huyện Bàu Bàng có sự xuất hiện của một dự án bất động sản nói trên”, đại diện Sở Tài nguyên môi trường Bình Dương nói.

Lúc bấy giờ, sau khi báo Tiền Phong có bài phản ánh về dự án "vịt trời" của Công ty địa ốc Bình Dương City Land, đại diện Sở Xây dựng Bình Dương nói rằng đã lập đoàn thanh tra vụ việc. Thế nhưng cho đến nay kết quả giải quyết vẫn chưa được thông tin. 

Đến nay (vào ngày 21/2) một lần nữa đại diện Sở Xây dựng Bình Dương lại cho biết đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ liên quan đến đơn tố giác hành vi lừa đảo khách hàng xảy ra tại Công ty địa ốc Bình Dương City Land. Dư luận địa phương cho biết, họ đang chờ sự vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm vụ việc, tránh những hệ lụy về sau.

Giải thích lý do không có đất giao cho khách hàng, ông Hoàng Anh Vui - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Bình Dương City Land nói dự án Green City hiện đã thay tên thành khu nhà ở Phúc Long với diện tích gần 6 ha. Hiện dự án đang hoàn thiện pháp lý theo quy định. Đến khoảng tháng 10/2020, công ty sẽ giao đất theo thỏa thuận mới nhất giữa đơn vị và khách hàng.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định, cơ quan này chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào của “dự án” có tên Green City hay Khu nhà ở Phúc Long của Công ty Bình Dương City Land trên địa bàn tỉnh.

Liên quan đến vụ việc, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bình Dương) cho biết đã tiếp nhận thông tin tố giác, hồ sơ tài liệu từ các khách hàng mua phải dự án “ma” của Công ty Bình Dương City Land cung cấp. Hiện, đơn vị này đang vào cuộc để điều tra, làm rõ.

Về mặt pháp lý các dự án bất động sản, giới luật sư nhận định, việc doanh nghiệp bán dự án “vịt trời” hiện đang khá phổ biến. Do không có năng lực tài chính, các chủ đầu tư thường tiến hành “bán chui” dự án nhằm mục đích huy động vốn từ khách hàng để có tiền đóng tiền sử dụng đất, tiền làm pháp lý, tiền xây dựng hạ tầng. Sau khi có pháp lý rồi, chủ đầu tư lại thu tiếp tiền của khách hàng để tiếp tục thực hiện dự án.

Tuy nhiên, nếu quá trình xin thủ tục pháp lý gặp trục trặc, hoặc chủ đầu tư lấy tiền của khách hàng đi đầu tư việc khác thì chính người mua là đối tượng chịu thiệt. Trong khi đó, doanh nghiệp mở bán rầm rộ các dự án chưa có hoặc chưa đủ pháp lý nhưng cơ quan chức năng lại không biết để ngăn chặn, cảnh báo kịp thời tới khách hàng, mà chỉ thanh tra, xử lý khi báo chí phản ánh thì chuyện đã quá muộn và không đủ răn đe vì mức phạt không đáng bao nhiêu.

MỚI - NÓNG