Liên doanh bí ẩn trong dự án của Vĩnh Hưng

Liên doanh bí ẩn trong dự án của Vĩnh Hưng
Khi Chủ tịch Vĩnh Hưng, Megastar bị bắt, câu chuyện về việc “quay vòng vốn” lòng vòng giữa các doanh nghiệp mới lộ ra.

Liên doanh bí ẩn trong dự án của Vĩnh Hưng

> Ai bảo lãnh Chủ tịch Vĩnh Hưng vay trăm tỷ?

> Vì sao ông chủ Vĩnh Hưng, Vina Megastar bị bắt? 

Khi Chủ tịch Vĩnh Hưng, Megastar bị bắt, câu chuyện về việc “quay vòng vốn” lòng vòng giữa các doanh nghiệp mới lộ ra.

Quá trình điều tra về mớ “bùng nhùng” xung quanh những dự án bất động sản của Nguyễn Hoàng Long, phóng viên VietNamNet đã phát hiện nhiều điểm “bí ẩn” liên quan đến các cá nhân, doanh nghiệp.

Các dự án trên bản vẽ và thực tế của Vĩnh Hưng, Megastar
Các dự án trên bản vẽ và thực tế của Vĩnh Hưng, Megastar.
 

Cụ thể, do cần nguồn vốn, ông chủ của Vina Megastar đã đem thế chấp các dự án để vay tiền. Hồ sơ pháp lý của Nguyễn Hoàng Long trong một số dự án mặc dù chưa được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng nhưng vẫn “chui lọt” qua hệ thống. Hàng trăm tỉ đồng đã được giải ngân trên cơ sở những bộ hồ sơ dự án như thế.

Quay trở lại dự án 409 Lĩnh Nam, theo như phản ánh của phía công ty Vĩnh Hưng, trước thời điểm giải ngân số tiền 225 tỉ, đã diễn ra một hội nghị “kín”. Tham gia vào “hội nghị” này có đại diện của Vĩnh Hưng, Công ty cổ phần đầu tư 135(đại diện là ông Bùi Văn Phú). Cuộc họp này đi đến thống nhất: Phía Vĩnh Hưng sẽ được giải ngân để thực hiện dự án nếu mua thép của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Chăn nuôi (Cty CPXD và PTCN).

Vậy Cty CPXD và PTCN; Công ty cổ phần đầu tư 135 có mối quan hệ như thế nào trong dự án Vĩnh Hưng? Quá trình điều tra, VietNamNet đã làm rõ rất nhiều thông tin quan trọng.

Chủ tịch xã Chiềng Mai bà Lò Thị Ươm làm việc với phóng viên VietNamNet
Chủ tịch xã Chiềng Mai bà Lò Thị Ươm làm việc với phóng viên VietNamNet.
 

Ông Phú “bò” và “cuộc đào tẩu” khỏi đất Sơn La

Khi nhắc đến “doanh nhân” Bùi Văn Phú, GĐ CTy CPXD và PTCN có trụ sở tại bản Huổi My (xã Chiềng Mai, Mai Sơn, Sơn La), người dân Sơn La thường gọi biệt danh ông Phú “bò” vì ông gắn với dự án nuôi bò chất lượng cao đã tưng bừng… phá sản một thời. Và, cũng rất nhanh ngay sau đó, doanh nghiệp này đã gần như “biến mất” khỏi đất Sơn La, để lại cho chính quyền sở tại sự… ngơ ngác.

Thông tin từ Cục thuế tỉnh Sơn La, doanh nghiệp có tên CTy CPXD và PTCN có trụ sở tại bản Huổi My, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, Sơn La do ông Bùi Văn Phú làm giám đốc vẫn nộp thuế đến Cục thuế Sơn La, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp này vẫn hoạt động.

Tuy nhiên, tại Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Sơn La, khi tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp này, Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở KHĐT tỉnh Sơn La) cho biết, tại Sơn La có 4 đơn vị đăng ký lĩnh vực chăn nuôi bò thương phẩm, trong đó 2 cty tư nhân, 2 công ty cổ phần. Không có cty nào có trụ sở tại bản Huổi My, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, Sơn La.

Liên lạc với người được cho là kế toán của Cty CPXD và PTCN, người này cho biết: “bên chúng tôi không “chiến đấu” ở Sơn La nữa, mà chuyển về Hà Nội rồi”. Hỏi thông tin về GĐ Bùi Văn Phú, anh này từ chối cung cấp mà chỉ nói: “Không cho anh số điện thoại của sếp được, sếp giờ rất bận”.

Trước đấy, VietNamNet đã liên hệ với Sở KHĐT Hà Nội để tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp này. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội không có doanh nghiệp nào với tên “Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Chăn nuôi”.

Chủ tịch xã Chiềng Mai, bà Lò Thị Ươm và phó chủ tịch xã Nguyễn Trọng Nam nói về Cty CPXD và PTCN do ông Bùi Văn Phú làm giám đốc:

Doanh nghiệp này, từ năm 2003 đã tiến hành lập dự án lấy đất của dân để chăn nuôi bò thương phẩm chất lượng cao với giống bò lai Sin nhập khẩu. 37ha đất nông nghiệp, đất rừng và đất ở của hơn 80 hộ dân thuộc các bản Huổi My, Bản Cơi, Bản Pòn (xã Chiềng Mai) đã bị thu hồi và đền bù cho người dân với giá rẻ mạt.

“Người dân khi đó không đồng tình đâu. Bà con đã đề nghị với xã không đồng ý giao đất cho doanh nghiệp, nhưng tỉnh, huyện cứ đè ngửa vào thu hồi. Nói thật, họ đi thu hồi không khác gì đi cướp đất của dân. Đích thân ông Cầm Chính Nghĩa lúc ấy là chủ tịch huyện Mai Sơn dẫn đầu đoàn thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp, dân bản bức xúc lắm!” – chủ tịch xã Lò Thị Ươm cho biết.

Theo bà Ươm, thu hồi đất nông nghiệp của dân giao cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại, nuôi bò thương phẩm không phải là dự án chung phục vụ cộng đồng nên người dân Chiềng Mai chục năm về trước, dù học ít nhưng cũng hiểu được là họ có quyền từ chối. Thế nhưng, rốt cuộc, chỉ sau một tháng, ông Phú “bò” đã có 37ha đất.

Ngay sau khi thu hồi đất của dân, Cty CPXD và PTCN do ông Phú điều hành đã ào ào thi công hạ tầng, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, nhập về 200 con bò lai sin.

Một thời gian ngắn sau, dự án nhanh chóng đổ bể, cỏ trồng không lên, bò cứ gầy yếu, chết dần chết mòn, số người làm thuê cho ông Phú rơi rụng dần. Ông ấy còn đi thu gom rơm ở các bản lân cận về nuôi bò thay vì trồng cỏ chất lượng.” – bà Ươm ngán ngẩm.

Bà Ươm cho biết, năm 2007 một nhóm người nói là cán bộ Ngân hàng đi tìm doanh nghiệp Phú “bò” để đòi nợ. “Họ đi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra, mất cả tuần lễ mới tìm được địa chỉ đăng ký kinh doanh của ông Bùi Phú, vì họ lên Thuận Châu, sang Chiềng Mung, lên hỏi tỉnh mới biết địa chỉ này. Xuống đến nơi, “doanh nghiệp”của ông Bùi Phú chỉ còn 17 con bò gầy trơ xương, mấy dãy nhà bị mưa bão thổi bay nóc, một người bảo vệ tên Nga làm thuê, còn lại cả bầu đoàn thê tử, lãnh đạo công ty đi đâu tự bao giờ.

Ba cán bộ Ngân hàng này đến gặp lãnh đạo xã Chiềng Mai và đề nghị, xã không được ký xác nhận vào bất cứ hợp đồng mua bán, chuyển nhượng gì của doanh nghiệp ông Phú “bò”, vì doanh nghiệp này đang quá hạn thanh toán món nợ ngân hàng hơn 100 tỷ đồng.

“Doanh nghiệp” còn lại dãy nhà tốc mái

Những gì còn lại của “doanh nghiệp” lần đầu tiên đặt chân vào đất Chiềng Mai là một khu nhà năm phòng cấp 4 đã bị tốc mái, chỉ còn lại khung tường và những ô cửa không có cửa nằm ngay sát con đường dẫn vào bản tái định cư.

Diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò ngày trước, giờ người dân địa phương chuyển sang trồng sắn, trồng cà phê.

Những gì còn lại của Cty CPXD và PTCN do Bùi Văn Phú làm GĐ có địa chỉ tại bản Huổi My, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, Sơn La
Những gì còn lại của Cty CPXD và PTCN do Bùi Văn Phú làm GĐ có địa chỉ tại bản Huổi My, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, Sơn La.
 

37ha đất do tỉnh Sơn La cấp cho CTy CPXD và PTCN từ năm 2003, sau khi doanh nghiệp của ông Văn Phú "tháo chạy" khỏi Chiềng Mai từ khoảng 2007 – 2008, hiện tại đang là khu tái định cư của 20 hộ dân từ xã Pha Khinh (huyện Quỳnh Nhai) di dân phục vụ lòng hồ thủy điện Sơn La chuyển đến.

“Chúng tôi không biết ông Phú “bò” có bán đất lại cho BQLDA tái định cư của huyện Mai Sơn hay không, vì từ khi thu hồi đất của dân bản, chúng tôi cũng không có thẩm quyền gì trong việc quản lý phần diện tích đất này” – bà Ươm cho hay.

Bà Ươm cũng “giãy nảy” khi biết thông tin, hiện tại, địa chỉ giao dịch của cty do Bùi Phú điều hành vẫn còn lấy địa chỉ “bản Huổi My, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn”.

“Công ty có làm gì ở đây đâu mà còn lấy địa chỉ ở đây” – một người dân sống tại bản Huổi My nói.

“Ông Phú “bò” phá sản còn nợ rất nhiều tiền ở các đối tác bán đá, vật liệu xây dựng cho ông ấy từ năm 2003. Họ đi đòi nợ mãi nhưng không được, giờ vẫn còn đang ôm cục nợ bất đắc dĩ này” – ông Lê Đại Xuân (phường Quyết Thắng, TP Sơn La) nói.

Công ty “giấu mặt” và những nghi vấn cần làm rõ

Trong công văn gửi Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Vĩnh Hưng cho biết để được giải ngân số tiền 225 tỷ đồng, các bên gồm Công ty Vĩnh Hưng (đại diện là ông Nguyễn Hoàng Long); Công ty Cổ phần 135 (đại diện là ông Bùi Văn Phú) và ngân hàng đã thống nhất để Công ty Vĩnh Hưng ký hợp đồng kinh tế số 12/2012/HĐKT/CN-VH ngày 06/12/2012 với Cty CPXD và PTCN để mua thép xây dựng làm mục đích giải ngân.

Theo hồ sơ do Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, Công ty Cổ phần Đầu tư 135 được Sở KH và ĐT TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 21/4/2005. Công ty có trụ sở tại ngõ 562/51 đường Láng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP Hà Nội với số lượng ngành nghề đăng ký kinh doanh lên đến 39 ngành nghề.

Cũng theo hồ sơ phía Sở KHĐT cung cấp, Công ty này do 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, cá nhân ông Bùi Văn Phú chiếm tới 80% cổ phần; người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Bùi Văn Chung.

Như vậy, người nắm giữ phần “xương sống” của 2 công ty CPXD và PTCN với Cổ phần đầu tư 135 thực chất là một với cái tên Bùi Văn Phú.

Vì sao ông Bùi Văn Phú xuất hiện trong “điều kiện cần” để Vĩnh Hưng có thể vay? Vì sao số tiền 225 tỷ chỉ được giải ngân khi Vĩnh Hưng mua sắt từ công ty của ông Bùi Văn Phú? Số tiền 225 tỉ đang ở đâu, sử dụng và mục đích gì và ai chịu trách nhiệm?

Và, nếu như thông tin một số cá nhân chiếm dụng số tiền này vào những mục đích cá nhân khiến chủ đầu tư và khách hàng điêu đứng thì đây là một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, cần phải xử lý kịp thời.

Phía công ty Vĩnh Hưng cũng đề nghị các cơ quan nhanh chóng giải quyết để làm rõ ai đã sử dụng số tiền trên và vào mục đích gì. Đây cũng là đòi hỏi về sự minh bạch thông tin.

Người dân mong chờ các cơ quan chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ những vấn đề báo chí đặt ra quanh câu chuyện có nhiều nghi vấn này.

Theo Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.