Luật Xây dựng sửa đổi: Nới phép, vi phạm có tăng?

Loạt biệt thự trên đất rừng tại xã Minh Trí (Sóc Sơn) sau nhiều năm vẫn chưa bị xử lý
Loạt biệt thự trên đất rừng tại xã Minh Trí (Sóc Sơn) sau nhiều năm vẫn chưa bị xử lý
TP - Thêm nhiều trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6. Tuy nhiên, việc mở đường cho phát triển xây dựng cần gắn với công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, tránh hiện tượng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan.

Ngày 17/6, với 449/462 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Một trong những điểm mới của dự luật vừa được thông qua là điều chỉnh các quy định về cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, dự thảo luật quy định 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian tới, công việc cấp phép xây dựng sẽ nhàn hơn bởi nhiều công trình trước đây phải cấp phép nhưng thời gian tới không cần cấp phép nữa. Theo dự thảo Sở đóng góp trước đây, các công trình sử dụng vốn nhà nước sẽ chỉ cần bước thẩm định và miễn phép. Các công trình sử dụng vốn khác giao chủ đầu tư tự thẩm định các bước thiết kế, sau thiết kế và gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho ý kiến.

Tuy nhiên, việc mở rộng các trường hợp cấp phép xây dựng, miễn phép nhiều đối tượng hơn khiến các địa phương lo lắng trong công tác thanh tra, kiểm tra công trình xây dựng địa phương. Ngay cả phân cấp xử lý công trình cũng rất mất thời gian, do UBND cấp phường chỉ xử lý được công trình không phép, công trình sai phép phải báo cáo, trình UBND cấp quận ra quyết định xử lý.

Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện hiện nay chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp dẫn đến tiến độ xử lý chậm, hiệu quả thấp. Nếu cấp địa phương không phối hợp, buông lỏng quản lý thì việc xử lý sẽ rất chậm chạp, không hiệu quả.

Với tốc độ đô thị hóa ở Thủ đô, những năm qua, các công trình vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm có thể kể đến: Công trình 8B Lê Trực, loạt công trình sai phép, không phù hợp quy hoạch tại mương Phan Kế Bính, mương Nghĩa Đô…

Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng chưa được xử lý dứt điểm như Việt phủ Thành Chương, nhà của ca sĩ Mỹ Linh, loạt biệt thự xã Minh Phú, loạt công trình xây trên đất rừng tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn)…

Sai phạm ở mương Phan Kế Bính vẫn tồn tại dù đã có kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từ năm 2017. Đến nay đã là lần thứ 4 Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội xử lý dứt điểm vụ việc. Nhưng UBND quận Ba Đình vẫn không thực hiện cưỡng chế sai phạm của công trình này. Đại diện UBND quận nêu vướng mắc: Việc xử lý phần công trình xây dựng sai phép nêu trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống kết cấu, an toàn trong quá trình thi công tháo dỡ cũng như các bộ phận còn lại của công trình xây dựng. Đồng thời UBND quận Ba Đình báo cáo đề xuất UBND thành phố sẽ tháo dỡ công trình khi giải phóng mặt bằng để mở đường Phan Kế Bính.

Đối với vi phạm ở mương Nghĩa Đô, sau 2 năm ra quân cưỡng chế, quây rào, hiện tại khu vực vẫn có một số hoạt động kinh doanh. Bên ngoài khu vực này quây tôn gây mất mỹ quan đô thị cho một trong những trục đường chính của quận Cầu Giấy. Trao đổi với PV Tiền Phong, Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết, quận đang thực hiện việc giữ nguyên hiện trạng theo yêu cầu của thành phố. Ngoài ra, quận đang xin ý kiến của Sở Tài chính về việc định giá đền bù phần đầu tư của chủ đầu tư. Sau khi có giá, sẽ tiến hành đền bù, thu hồi đất.

KTS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 2 dự án cống hóa kênh mương đã tốn quá nhiều giấy mực của báo chí nhưng quá trình xử lý quá chậm chạp. Thậm chí có dự án như mương Nghĩa Đô, Nhà nước sẽ còn phải bỏ tiền ra để đền bù cho những sai phạm của giai đoạn trước đó. Không chỉ thiệt hại kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, thông thoáng nhưng phải trong khuôn khổ, thanh kiểm tra chặt chẽ, quy trách nhiệm rõ ràng để tránh tình trạng xây dựng bừa bãi, vi phạm trật tự xây dựng tràn lan.

10 trường hợp được miễn phép

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định rõ 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Trong đó có những trường hợp đáng lưu ý như nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn giấy phép. Cùng với đó, công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cũng được miễn giấy phép xây dựng.

Về đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong quy hoạch; đề nghị quy định chế tài không cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo pháp luật hiện hành, các chế tài xử lý vi phạm về quy hoạch xây dựng đã được quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dân sự, hình sự . Hơn nữa, biện pháp không cung cấp điện, nước đã được quy định trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định về chế tài xử lý vi phạm hành chính trong dự thảo luật này.

Văn Kiên

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Luật Ðầu tư (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ðối với Dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi), trước khi thông qua toàn bộ, Quốc hội đã  biểu quyết về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Kết quả hơn 90% đại biểu tán thành cấm kinh doanh dịch vụ trên. Liên quan quy định này, báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Ðầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của luật hiện hành, đồng thời đổi tên là “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.