Ngột ngạt vì 'đua' chiều cao, tăng mật độ

Ngột ngạt vì 'đua' chiều cao, tăng mật độ
TP - Dù đã có lệnh hạn chế xây cao ốc trong khu vực trung tâm nhưng thực tế hàng loạt dự án cao ốc chọc trời vẫn mọc lên, đua nhau điều chỉnh quy hoạch, “nối” thêm tầng.

> Không cấp phép xây mới cao ốc trong trung tâm

Cao ốc 114 Mai Hắc Đế
Cao ốc 114 Mai Hắc Đế.

Cao ốc làm bức bối đô thị

Quận Hai Bà Trưng, nơi thuộc khu vực kiểm soát đặc biệt về nhà cao tầng nhưng các toà cao ốc vẫn được xây dựng. Tại tuyến phố ngắn Mai Hắc Đế, nơi lâu nay người dân ngột ngạt bởi người và phương tiện đông đúc thì nay lại ngột ngạt bởi các cao ốc.

Tại số 114 Mai Hắc Đế, một dự án nhà chung cư thương mại đang được thi công. Khu đất có diện tích 3.375m2 của Cty CP Trần Hưng Đạo trước đây được dự định xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng làm việc và cho thuê.

Nhưng giờ đây, nó trở thành tổ hợp Trung tâm thương mại, căn hộ và văn phòng cho thuê (Hoàng Thành Tower), cao 19 tầng và 3 tầng hầm. Dự án này được phê duyệt mật độ xây dựng lên tới 55,7 %.

Tại Đống Đa, một trong bốn quận trung tâm được đánh giá trong thời gian qua phát triển hạ tầng kỹ thuật yếu nhất, với tình trạng ùn tắc giao thông và úng ngập diễn ra nhiều nơi. Nhưng hiện quận này lại có nhiều dự án cao ốc “khủng” nhất.

Trong danh mục 91 dự án cao ốc của quận Đống Đa có các dự án thi công 5 năm trời vẫn không chịu đưa vào sử dụng như dự án chung cư 131 Thái Hà (Cty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng và Cty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà làm chủ đầu tư), với lý do đang chạy để nâng thêm tầng, thêm sàn.

Chất tải nội đô – ai chịu trách nhiệm?

Sau khi có lệnh dừng các dự án cao tầng tại 4 quận nội thành của Thủ tướng Chính phủ (năm 2010), Hà Nội đã rà soát và tiến hành lập quy hoạch phân vùng của trung tâm thành phố để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng.

Theo đó, vùng trung tâm được chia thành 3 khu vực gồm (khu vực đặc thù; khu vực kiểm soát đặc biệt và khu vực phát triển có điều kiện). Ngoài khu vực đặc thù không được xây cao tầng thì khu vực kiểm soát đặc biệt được quy định hạn chế xây dựng nhà cao tầng, quản lý kiểm soát cao tầng theo các nghiên cứu quy hoạch khu vực cục bộ hoặc thiết kế đô thị. Còn khu vực phát triển có điều kiện được giới hạn bởi một số khu vực trung tâm đến đường vành đai 2.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế việc kiểm soát, hạn chế nhà cao tầng theo phân vùng trên vẫn chưa được thực hiện chặt chẽ.

“Việc xây nhà cao tầng là cần thiết do đất chật nên không còn cách nào là phải vươn lên cao. Nhưng việc điều chỉnh, nâng chiều cao cho các toà nhà đang xây dựng với mục đích có thêm nhà bán hoặc làm văn phòng cho thuê có lợi hơn cho chủ đầu tư thì cần hạn chế. Đơn giản, chỉ việc nâng thêm vài tầng của một toà nhà với hàng trăm căn hộ dôi ra, kéo theo lượng dân cư sẽ phát sinh rất nhiều. Nó sẽ đè nặng cho hệ thống hạ tầng xã hội của cả khu vực, nhất là khu vực nội đô hiện nay”- Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói.

Theo ông Liêm, chủ trương hạn chế nhà cao tầng để giảm tải cho khu vực nội đô cần được thực hiện nghiêm. Nếu cứ để nhiều công trình nhà mặt phố xây vượt chiều cao hoặc điều chỉnh nâng tầng ở khu vực bị hạn chế thuộc 4 quận nội thành là đi ngược với kế hoạch kiểm soát nhà cao tầng để giảm tải cho nội đô. Nó sẽ làm mất cân bằng về hệ thống hạ tầng cơ sở cùng môi trường, gia tăng ùn tắc giao thông.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo từng tuyên bố sẽ không đặt bút ký các dự án cao tầng ở nội đô. Việc di dời các trường học, bệnh viện hay trụ sở một số bộ ngành ra khỏi nội đô sẽ không còn ý nghĩa giảm tải một khi khoảng đất trống đó lại đem làm khu đô thị, hoặc bán cho tư nhân. Dư luận đang chờ đợi những hành động cụ thể từ các cơ quan chức năng và lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG